Chương trình Giám sát Rác thải nhựa tại bãi biển 2019

Với hành trình “ĐI TÌM NHỮNG CON SỐ CHO RÁC NHỰA” tại bãi biển Việt Nam, đợt 1 (tháng 5-7/2019) của chương trình Giám sát rác thải nhựa tại bãi biển do GreenHub phối hợp với IUCN và 11 KBTB tại Việt Nam (VQG Bái Tử Long, VQG Cát Bà, KBTB Bạch Long Vĩ, KBTB Cồn Cỏ, KBTB Cù Lao Chàm, KBTB Lý Sơn, KBTB Hòn Cau, VQG Núi Chúa, KBTB Nha Trang, KBTB Phú Quốc, VQG Côn Đảo.), nhóm Giám sát đã có được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận: Rác nhựa chiếm tới 92% trong 7 loại rác thu gom tại bãi biển (Nhựa, kim loại, thủy tinh, cao su, quần áo/vải, gỗ chế biến/giấy, các loại rác khác); 4 loại rác nhựa tìm thấy được nhiều nhất về số lượng gồm có: phao xốp vật nổi, dây thừng nhỏ/lưới nhựa, đồ dùng đựng bằng xốp, túi nilong. Chương trình Giám sát rác thải nhựa tại bãi biển 2019 – 2020 sẽ là chương trình cung cấp dữ liệu cơ sở để đánh giá cho các tác động can thiệp và chính sách.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh GreenHub phát biểu tại hội nghị

Mong muốn chia sẻ những kết quả ban đầu và có những đóng góp cho việc quản lý, xây dựng chính sách, tại Hội thảo Quốc gia “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đại dượng. Xây dựng Kế hoạch Hành động cho Ngành thủy sản”, GreenHub và IUCN đã có những chia sẻ về phương pháp và những kết quả ban đầu – đây sẽ là một trong những nguồn thông tin để giúp cho Vụ Hợp tác Quốc tế Khoa học & Công nghệ có thêm đầu vào cho định hướng xây dựng Kê hoạch Hành động quản lý rác thải nhựa đại dương từ Ngành Thủy sản 2020 – 2025.

Tại Hội thảo có sự tham gia của các KBTB đã tham gia chương trình Giám sát rác thải nhựa đợt 1 năm 2019, đây sẽ là cơ hội để các khu chia sẻ những báo cáo đã hoàn thành ở đợt 1 và chia sẻ những khó khăn, và hoàn thiện hơn về phương pháp cho những lần tiếp theo.

Rác thải nhựa trên biển là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu. Những con số từ các thống kê và nghiên cứu trên thế giới được đưa ra và tại Việt Nam, năm 2018, với nghiên cứu của tiến sĩ Jenna Jambeck, Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng phát thải nhựa thiếu kiểm soát. Tuy nhiên đó là nghiên cứu từ nước ngoài, vậy tại Việt Nam thì sao?

Trên thực tế, Việt Nam chưa có dữ liệu quốc gia xác định các nguồn phát thải nhựa từ đất liền hay từ biển và chưa có nghiên cứu hoặc thống kê định lượng nào về lượng rác thải nhựa tại các vùng biển ven bờ, trong đó có các Khu Bảo tồn biển, là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do ô nhiễm rác thải trên biển.

Với mục tiêu xây dựng được một phương pháp chung, có thể áp dụng cho tất cả các địa điểm tại vùng bờ biển Việt Nam, tổ chức IUCN Việt Nam phối hợp với GreenHub đã xây dựng tài liệu “Hướng dẫn giám sát rác thải nhựa ở bãi biển” và ô nhiễm nhựa vùng ven biển”, dựa trên hướng dẫn của Cơ quan khí quyển đại dương Hoa Kì (NOAA) và Chương trình Liên hiệp Quốc về Môi trường (UNEP) và chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam. Các kết quả giám sát sẽ được phân tích, chia sẻ và khuyến nghị áp dụng chung để thu thập bộ dữ liệu quốc gia về giám sát rác thải biển tại Việt Nam.