Hội thảo ngăn ngừa và thu gom rác thải biển

Rác thải nhựa đại dương đang là một trong các vấn đề được quan tâm hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm hàng triệu tấn rác nhựa bị thải bỏ ra biển và đắm mình trong các đại dương. Bạn có biết rằng 70% (về trọng lượng) trong số chúng có nguồn gốc từ  NGHỀ CÁ?

Phần lớn rác nhựa trên biển là một phần của những thiết bị, dụng cụ đánh bắt bị thải bỏ, thất lạc hoặc mang ra xa bờ. Chúng còn được biết với cái tên ‘lưới ma’, trôi nổi qua nhiều đại dương. Đáng buồn rằng dù đã kết thúc vòng đời sử dụng, những ‘lưới ma’ này tiếp tục, một cách vô ý thức, giăng bẫy cá cùng các loài động vật khác hoặc đi vào chuỗi thức ăn, giết chết nhiều sinh vật thuộc hệ sinh thái biển.

Ngày 17-18 tháng 10 năm 2019, hơn 70 đại diện đến từ Bắc Âu và nhiều quốc gia trên thế giới tham dự Hội nghị Hải đăng Lofoten, tổ chức tại Svolvær, Na Uy. Trong đó, GreenHub vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam.

Hội nghị Hải đăng Lofoten tập trung vào các giải pháp xử lý vấn đề toàn cầu về rác thải biển. Giống như một ngọn hải đăng, Hội nghị là nơi chúng ta được dẫn lối và định hướng hành động vì một đại dương sạch và khoẻ mạnh hơn.

Xuyên suốt Hội thảo, các đại biểu được tạo điều kiện để trao đổi ý tưởng và kết nối với nhau. Đại biểu là cán bộ hoặc chuyên gia đến từ các tổ chức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như UNEP, NOOA, Ocean Conservancy. Đây là cơ hội để GreenHub củng cố quan hệ với các đối tác hiện tại cũng như mở rộng mạng lưới hành động kết hợp cùng nhiều tổ chức tiềm năm trong tương lai.

GreenHub có cơ hội chia sẻ tại Hội nghị Hải đăng Lofoten công tác quản lý rác thải tại Việt Nam trong đó nổi bật là hoạt động của Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA), Mạng lưới hành động giảm thiểu rác thải nhựa (PAN), chương trình giám sát rác thải biển và các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa khu vực ven biển do GreenHub thực hiện.

Cũng tại Hội thảo, GreenHub thảo luận về sự tương đồng trong các thách thức đang gặp phải từ các khảo sát tại 11 tỉnh ven biển ở Việt Nam, nguồn thải nhựa cao thứ hai chính là NGƯ CỤ, cả về trọng lượng lẫn số lượng. Các giải pháp được đề xuất nhằm ngăn chặn sự gia tăng của lượng rác này bao gồm sản xuất ngư cụ với vật liệu dễ phân hủy, phát triển hệ thống tìm kiếm thiết bị thất lạc, trục với ngư cụ bị thất lạc và nhiều giải pháp khác.

Trong phiên thảo luận nhóm về rác thải biển có nguồn gốc từ biển, GreenHub đã chia sẻ kết quả khảo sát lượng rác ven biển và một số khuyến nghị của tổ chức như: cần thống kê lượng rác xốp trong công tác giám sát; nâng cao nhận thức và đào tạo cư dân về quản lý, giảm thiểu chất thải; cấp giấy chứng nhận cho tàu du lịch và tàu đánh bắt.

Các phiên khác của Hội nghị bao gồm phiên “Ngọn hải đăng Quốc tế” về các phương pháp tiếp cận làm sạch bờ biển, sự hợp tác và các chiến lược đã được thực hiện thành công; phiên “Từ bờ biển tới bờ biển” về tính cấp thiết về tăng cường hợp tác phòng ngừa và dọn sạch rác thải, đặc biệt là hợp tác xuyên biên giới.

Tại Hội nghị Hải đăng Lofoten, GreenHub đưa ra hai câu hỏi để thảo luận sau:

  1. Sau bài trình bày về giải pháp vật liệu phân huỷ sinh học cho các thiết bị đánh bắt, GreenHub đề cập tới sự xuất hiện của các loại túi thân thiện với môi trường như túi phân huỷ sinh học ở Việt Nam. Bên cạnh lợi ích rõ ràng của chúng còn các vấn đề còn tồn tại như (1) an ninh lương thực (trong khi còn rất nhiều đói ăn trên thế giới và ở Việt Nam, và tài nguyên thiên nhiên bị khai thác nếu nguồn nguyên liệu là ngô/gạo, (2) một số loại nhựa vẫn được sử dụng và phân rã nhanh, có thể tạo ra vấn đề về vi nhựa;
  2. Sau bài trình bày về CẤM (sản phẩm nhựa/nhựa dùng một lần), GreenHub chia sẻ chúng ta nên tiếp cận một cách toàn diện khi ban hành luật cấm (ví dụ như cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần). Nhà quản lý nên xem xét tác động tới đời sống và sinh kế của người dân địa phương, cách họ tiếp nhận quy định, loại vật liệu nào có thể thay thế, các hoạt động khác (nâng cao nhận thức, hỗ trợ công nghệ kỹ thuật) giúp người dân làm quen sau khi ban hành luật cấm.

Nhìn chung, GreenHub đã lĩnh hội rất nhiều từ Hội nghị Hải đăng Lofoten và mong muốn tiếp tục phát triển các mối quan hệ, thực hiện nhiều ý tưởng mới. GreenHub tin rằng chính sự hợp tác quốc tế  này sẽ giúp đẩy lùi nạn ô nhiễm rác thải nhựa.