Mua sắm online bền vững

Để thực hiện lối sống xanh giảm nhựa, giảm tác động môi trường, việc mua sắm thường nhật đã khó khăn, nhưng mua sắm online còn khó hơn.

Theo khảo sát của Streambit vào năm 2020 tại Việt Nam, xu hướng mua hàng online trong mùa dịch tăng mạnh, với 30-50% người được hỏi đã thay đổi cách mua sắm từ mua trực tiếp sang mua online, và 25% nhận thấy họ mua sắm online nhiều hơn.

Vậy, tại sao việc mua sắm online cần bền vững? Việt Nam hiện đang là top 4 trong 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất trên thế giới (UNEP, 2018). Nhưng, việc mua sắm online bao gồm những túi nilon, khay xốp, bọc nhựa, … để bảo quản đồ dùng, thực phẩm trong lúc vận chuyển, đồng nghĩa với việc gia tăng những đồ nhựa một lần ra ngoài các bãi chôn lấp.

Chính vì vậy, chúng ta hãy để tâm đến đơn đặt hàng của mình cũng như phương thức vận chuyển của của các sàn giao dịch mua sắm online! Ngày hôm nay, hãy cùng GreenHub tìm hiểu các phương pháp mua sắm bền vững online, các bạn hãy cùng đọc và áp dụng vào hoạt động sống xanh nhé.


Hạn chế nhận hàng đóng gói bằng bọc nhựa,

Khi mua đồ online, người bán hàng thường gói hàng bằng túi nilon và được bọc thêm một lớp băng dính nữa, khi bóc ra còn khó hơn cả giải khối rubik. Nhiều khi muốn tái sử dụng lại túi nilon nhưng không thể, vì chúng ta đã phải dùng kéo cắt túi, băng dính để lấy đồ ở trong. Với mỗi lần nhận đồ, gửi đồ như vậy, chúng ta lại gián tiếp thải ra môi trường lượng nhựa, túi nilon một lần.

Để hạn chế phát thải nhựa không đáng muốn, bạn có thể liên hệ với bên bán hàng hoặc bên đóng gói, thay vì sử dụng túi nilon, có thể bọc trong hộp bìa hoặc bọc giấy nhằm hạn chế tối ta lượng nhựa hoặc túi nilon nhận được, tránh phát thải ngoài ý muốn.


Ưu tiên các mặt hàng, thực phẩm địa phương, theo mùa:

Đối với các mặt hàng, thực phẩm được vận chuyển từ nơi xa thường có giá thành đắt hơn và có ảnh hưởng lớn tới môi trường bởi: vận chuyển từ xa nên việc đóng gói bảo quản cần khắt khe hơn, kèm theo kinh phí vận chuyển từ nơi sản xuất đến các quầy bán hàng, tiêu hao nhiều năng lượng, để lại nhiều dấu chân cac-bon, gây hại cho môi trường.Ngược lại, các sản phẩm bản địa không cần tốn quá nhiều công sức cho việc đóng gói, bảo quản cũng như vận chuyển.

Ngoài ra, chúng ta cũng không nên sử dụng các thực phẩm, rau củ quả trái mùa. Đơn giản mà thấy rằng, việc trồng rau củ trái mùa sẽ cần đến các chất phụ gia, thuốc tăng trưởng không những có thể gây hại cho cơ thể của con người khi chúng ta ăn, mà việc sử dụng thuốc sẽ còn gây hại cho đất trồng, giảm năng xuất.


Ưu tiên giao hàng tiết kiệm thay vì giao hàng nhanh:

Sau khi đã hoàn thành bước lựa đồ, cho vào giỏ hàng và thanh toán, lựa chọn tiếp theo của bạn sẽ là: Giao hàng nhanh hay giao hàng tiết kiệm. Chắc bạn sẽ nghĩ rằng, mình sẽ tốn thêm một ít tiền, mình sẽ được nhận đồ nhanh hơn dự kiến! Tuy nhiên, việc vận chuyển nhanh sẽ cần tiêu hao nhiều năng lượng, xăng dầu hơn so với giao hàng thông thường. Đôi khi, việc vận chuyển còn gây hại cho môi trường hơn nữa khi phải vận chuyển bằng đường hàng không.

Chính vì thế, “chậm nhưng mà chắc”, tuy rằng chúng ta sẽ tốn chút thời gian, nhưng chúng ta hãy kiên nhẫn và chọn phương pháp giao hàng tiết kiệm để vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm năng lượng, giảm tác động môi trường.


Mua hàng vừa đủ, trảnh mua thừa:

Đừng vì tất tay những ngày lương về, những đợt sale đại hạ giá “sập sàn” mà chúng ta mua nhiều, mua thừa mứa. Nếu bạn mua quá nhiều thức ăn, thực phẩm, bạn sẽ không có cơ hội để ăn hết đống thức ăn thừa ấy và chúng sẽ kết thúc ở các bãi rác thay vì kết thúc trong chiếc bụng đói của mình. Hơn nữa, việc thực phẩm thừa ở các bãi rác còn phát thải khí mê-tan, gây hại cho môi trường.
Đó là đối với đồ ăn, thực phẩm thừa, còn những đồ dùng thừa thì sao? Nếu những đồ dùng chúng ta mua về nhưng không có mục đích chính đáng hay chỉ dùng một hoặc hai lần, lâu ngày chúng cũng sẽ trở thành rác, hoặc rác thải nhựa. Thay vì thải nhựa 1 lần trong lúc mua, những đồ dùng này phát thải 2 lần ra ngoài trường một cách vô cùng lãng phí và gây hại cho môi trường.

Vì thế, chúng ta cần chú tâm đến đơn hàng của chúng ta và cân nhắc kỹ về kế hoạch sử dụng của mình, như “mình sẽ sử dụng với mục đích gì? Bao giờ có thể sử dụng, …”

——–
Nguồn tham khảo:
1. Streambit (2020), ‘Việt Nam qua những con số’.
2. Bộ Công thương Việt Nam (2021), ‘Để không có những “Bãi rác ngầm trên biển”’, <https://moit.gov.vn/…/de-khong-co-nhung-bai-rac-ngam-duoi-b…>
3. Real Sustainability, ‘Top tips for more sustainable Online Shopping’, <https://realsustainability.org/top-tips-for-more-sustainab…/>
4. GoodonYou (2019), ‘5 Tips to Shop Online Sustainably and Reduce your Impact.’, <https://goodonyou.eco/5-tips-to-shop-online-sustainably/>
——–
Bài viết thuộc chuyên mục Lựa Lối – chia sẻ các lựa chọn, thông tin hữu ích để thực hành lối sống xanh trong cuộc sống thường nhật, bắt đầu từ những điều bé nhỏ bền bỉ.