Xưởng tre xanh ở xã Cẩm Thanh

Theo truyền thống của người dân Cẩm Thanh, cây tre sau khi thu hoạch được ngâm chìm trong bùn trong khoảng một năm, hoàn toàn không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nhờ vậy mà cây tre khi lấy lên vàng ươm, và sau khi phơi thì lên màu trắng sáng, không bị thâm đen hay hoại mục, có độ dẻo dai và tuổi thọ rất cao do không bị mối mọt hay nấm mốc. Đây cũng là cách xử lý tre thân thiện môi trường vì hoàn toàn không xử dụng hoá chất, rất an toàn với người sử dụng.

Sinh ra tại Xã Cẩm Thanh, nơi từng là làng nghề đặc trưng của Hội An, với những sản phẩm làm từ tre, dừa nước, nghệ nhân Võ Văn Tân đã tiếp nối truyền thống từ quê hương, tạo ra nhiều sản phẩm từ tre độc đáo mới lạ với quy trình hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Nghệ nhân Võ Văn Tân đang giới thiệu về các sản phẩm của “Taboo Bamboo Workshop”.

Nghệ nhân địa phương chăm chú tạo nên những tác phẩm tre nghệ thuật.

Theo con đường phủ bóng tre râm mát, xưởng tre “Taboo Bamboo Workshop” của anh Tân hiện ra bình dị và thân thiện, nhưng đầy sức hút với những sản phẩm tre độc đáo và rất tinh tế, lại gần gũi với thiên nhiên, con người Việt Nam, như chú ốc sên, chim cánh cụt, chuồn chuồn, những chú rối, một số vật dụng như bàn, ghế, điện thoại bàn, cốc uống nước, rổ rá, mẹt, sàng… và cả đồ trang trí nội thất như những chiếc đèn hình cá dài tới 3, 4m đu đưa trên cao thu hút mọi ánh nhìn của du khách; những chiếc đèn ngủ, đèn bàn từ ống tre tỏa ra ánh sáng bình an và ấm cúng; những chiếc kệ, giá tre đầy sáng tạo…

Nghệ nhân tâm sự: “Không chỉ đam mê sáng tạo các tác phẩm từ tre – nguồn nguyên liệu tự nhiên, truyền thống của quê hương, tôi còn mong muốn lan tỏa tới du khách và cộng đồng những công dụng từ sự dẻo dai, hữu ích đa dạng của cây tre Việt Nam. Taboo Bamboo Workshop muốn lan tỏa tới mọi người thông điệp: hãy tự tay sáng tạo những sản phẩm thủ công có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao, có thể thay thế chất liệu nhựa, góp phần bảo vệ môi trường…”