Skip links

Biến rác thành tiền phần 3: Người ươm rác nở hoa

Sau chuỗi ngày đắm đuối với những sản phẩm tái chế thân thiện của Hội Phụ nữ Hạ Long, tôi tự hỏi: Những điều này bắt đầu từ đâu? Ai là người ươm rác nở hoa? Tất cả những câu trả lời đều đưa tôi về chị Huyền – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hà Trung, thành phố Hạ Long. Tôi tò mò, con người ấy là ai? Động lực nào khiến chị thực hiện những điều chưa ai làm? Liệu con đường biến rác thành tiền có dễ dàng không? 

Chị Đào Thị Huyền – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường Hà Trung – Thành phố Hạ Long
  1. Mục tiêu Biến rác thành tiền. 

Để một mô hình xã hội có thể phát triển bền vững, nhất thiết phải xây dựng trên nền móng là giải quyết quyền lợi cho những người tham gia. Với kinh nghiệm dày dạn trong hoạt động phong trào, chị Huyền đã sớm nhìn ra điều này.

Mục tiêu chị và các hội viên Hội phụ nữ đặt ra là giảm thiểu rác thải nhựa ở thành phố Hạ Long. Năm 2016, chị Huyền bắt đầu với việc vận động, triển khai phân loại rác ở các hộ dân. Số tiền thu được từ việc thu gom được sử dụng vào hoạt động của Hội cũng như giúp đỡ những hội viên khó khăn. Đến năm 2018, Hội Phụ nữ Thành phố Hạ Long và GreenHub cùng hợp tác trong dự án PAN, bắt đầu mở ra hướng đi mới cho hoạt động này. Thay vì chỉ phân loại và thu thập nhỏ lẻ ở các hộ gia đình, Hội Phụ nữ đã triển khai thu gom trên địa bàn thành phố, thực hiện các sáng kiến liên quan đến giảm thiểu – tái chế – tái sử dụng rác thải nhựa. 

Tuy kết quả thu được đã có sự cải thiện nhưng chị Huyền vẫn trăn trở suy nghĩ về việc làm thế nào để tăng thêm nguồn tài chính thu được từ hoạt động – tạo động lực cho chị em phụ nữ tiếp tục hoạt động, đồng thời thực sự giảm thiểu lượng rác thải  nhựa ra môi trường. Sau một quá trình suy nghĩ, quan sát từ cuộc sống, ý tưởng sản phẩm tái chế từ dây buộc gạch chính thức đi vào thực tế.

Chị Huyền chia sẻ về những bước đầu tiên để xây dựng nền móng mô hình giảm thiểu rác thải nhựa ở Hạ Long.
  1. Hành trình ươm rác nở hoa

Đối với sản phẩm tái chế từ dây buộc gạch, từ ý tưởng đến thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Câu chuyện đầu tiên là nguồn nguyên liệu đầu vào. Vật liệu quen thuộc nhưng ý tưởng hoàn toàn mới khiến cho việc thu gom gặp nhiều khó khăn. Các dây đa số đã bị cắt vụn hoặc mang đốt. Khởi điểm, chị Huyền cùng cô Bình phải vận động từng thành viên của Hội, tích trữ, chắt chiu từng cọng dây buộc gạch. 

Chị Huyền – người ươm rác nở hoa

Tiếp đến, là câu chuyện về người biến ý tưởng thành hiện thực. Cuộc sống có nhiều thay đổi, những người làm nghề đan không còn nhiều nữa. Chị Huyền phải mày mò tìm kiếm người giúp sức theo những mối quan hệ đã có, thăm hỏi để tìm người giúp sức. Chỉ cần nghe phong thanh ở khu nào có  người biết đan, chị đều không quản ngại công sức tìm đến.

Với cương vị một người quản lý, tuy không trực tiếp cùng làm việc với chị em, nhưng vẫn luôn phải là người giữ lửa. Mỗi tối, sau những giờ làm việc căng thẳng, chị vẫn dành thời gian tâm sự và lắng nghe những trao đổi, đóng góp ý tưởng cải tiến quy trình và chất lượng sản phẩm hoặc mày mò, học hỏi thêm các nguồn trong và ngoài nước, tìm kiếm các mẫu mã mới lạ, độc đáo. 

Sản phẩm giỏ đựng đồ bằng dây buộc gạch – một sản phẩm được chị cùng chị em Hội Phụ nữ nghiên cứu, phát triển
  1. Định hướng phát triển và kế hoạch cho tương lai.

Với tầm nhìn của người quản lý, chị Huyền đã có những kế hoạch dài hơi cho tương lai của mô hình.

Về phần nguồn cung, với mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa ở địa phương, chị Huyền cùng Hội Phụ nữ vẫn tập trung tận dụng nguồn rác thải ở địa phương. Công đoạn thu gom dây buộc gạch diễn ra ở từng ngõ xóm nhỏ thông qua các thành viên hội và sự giúp đỡ của người thu gom phế liệu. Song song với đó, từ hạt giống ban đầu là phường Hà Trung, chị Huyền thực hiện mở rộng mô hình ra các phường lân cận, chuyên nghiệp hóa các khâu sản xuất.

Một số sản phẩm tái chế từ dây buộc gạch đang được sử dụng trong văn phòng chị Huyền

Từ tháng 3/2019, mô hình đã chứng minh được hiệu quả hoạt động của mình. Những sản phẩm đầu tiên được bán ra tại sự kiện về giảm rác nhựa do GreenHub tổ chức tại Cát Bà. Nối tiếp, các đơn hàng đến từ ngày càng nhiều thông qua các kênh trường học, công ty, xí nghiệp.

Tôi nghe nói, chị từng ám ảnh với hình ảnh từng đụn khói đen xì bốc lên từ những đám dây buộc gạch bị đốt. Giờ đây, khi những đụn khói khác ít đi, chị mơ về 1 ngày những sản phẩm dây buộc gạch, cùng với vẻ đẹp độc đáo và câu chuyện ý nghĩa của mình sẽ bước lên sàn diễn thời trang, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống cho chị em hội viên phụ nữ.

Explore
Drag