Cuộc thi PlasPics Hunter được tổ chức nhằm tìm kiếm những bức ảnh thể hiện hiện trạng rác thải nhựa tại các địa phương ở Việt Nam. Qua đó, GreenHub cùng đội ngũ Ban tổ chức đã tìm ra được những thợ săn ảnh nhựa cần mẫn với những tác phẩm ảnh đặc sắc và khiến con người ta phải “rùng mình”. Những tác phẩm không chỉ có bóng dáng rác thải nhựa, mà còn có sự xuất hiện của con người và của động vật, những người đang vật lộn và bị ảnh hưởng nặng nề trước những ảnh hưởng xấu của rác thải nhựa.
Những “thợ săn” đã không ngại tìm tòi, khám phá, đến thực địa, hiểu về thực trạng rác thải nhựa và chụp lại nó một cách nghệ thuật nhất, từ đó lan toả thông điệp đến những người xung quanh về những tác hại xấu mà rác thải nhựa đang dần xâm nhập vào cuộc sống con người.
Với chuyên mục Anh hùng 0 ngày hôm nay, cùng gặp gỡ một số “thợ săn ảnh nhựa” đạt giải trong cuộc thi PlasPics Hunter và lắng nghe những chia sẻ của họ nhé!
Tác giả Nguyễn Mạnh Cường – Đạt Giải Nhất cuộc thi PlasPics Hunter với tác phẩm “Người thầm lặng” và Giải Khuyến khích với tác phẩm “Xin đừng xả rác xuống dòng sông”
Tình cờ nhận được thông tin trên Facebook về cuộc thi Thợ săn ảnh nhựa, thấy thể lệ cuộc thi hay, ý nghĩa và thể hiện sự nhân văn nên tôi quyết định tham gia cuộc thi hàng ngày. Để chụp được những bức ảnh gửi về cuộc thi, hàng ngày tôi đều dậy vào sáng sớm, đi qua bên Quận 8 nơi có những con kênh bị ô nhiễm để tác nghiệp lấy ảnh.
Trong tất cả các quận huyện của TPHCM, quận 8 đặc biệt với nhiều kênh rạch. Hằng ngày vào sáng sớm, những người công nhân vệ sinh môi trường đều phải đi vớt rác trên những con kênh rạch lớn. Những kênh rạch nhỏ thuyền không vào được thì anh em vệ sinh môi trường buột phải lặn lội xuống dòng kênh để vớt những chai nhựa lên. Điều này cho thấy sự ô nhiễm nặng nề trên các con kênh do rác thải nhựa và đẩy gánh nặng lên những người làm vệ sinh môi trường.
Tham gia cuộc thi PlasPics Hunter, tôi được Giải Nhất thì đó là niềm vui. Nhưng niền vui lớn nhất là được cùng BTC góp phần tuyên truyền cho những người dân phải chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường. Người dân đừng nên vứt bỏ những chai nhựa xuống dòng kênh, để cho dòng kênh được sạch đẹp và tạo được cảnh quan xanh cho môi trường.
Tác giả Đinh Trần Phương Toàn – Đạt Nhì cuộc thi PlasPics Hunter với tác phẩm “Cục bông và chai nhựa”
Sau khi mở đơn, mình thấy cuộc thi thông qua fanpage GreenHub nên mong muốn tham gia để nói lên tiếng nói của mình. Mình muốn dùng dùng hình ảnh của mình nói lên thực trạng rác thải nhựa đang tàn phá môi trường sống không chỉ riêng con người mà môi trường sống tự nhiên của các loài vật cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là qua quá trình phát triển và sinh sản.
Qua những bức ảnh của mình, hy vọng mọi người có thể thay đổi nhận thức về vấn đề rác thải nhựa ảnh hưởng như thế nào đến môi trường sống chung của chúng ta và hành động đúng đắn để bảo vệ môi trường. Sau cuộc thi thì mình cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực của người thân và đồng nghiệp lắm, mọi người cũng bất ngờ về những bức ảnh mình chụp và mong muốn có thể tự mình giảm rác thải nhựa ra môi trường bằng nhiều biện pháp khác nhau.
Tác giả Vương Thuỳ Trang – Đại diện nhóm tác giải Đạt Giải Khuyến Khích cuộc thi PlasPics Hunter với tác phẩm “Những dòng kênh chết giữa Sài Gòn hoa lệ”
Cơ duyên đưa mình đến với Plasics Hunter từ một lần vô tình đọc được bài đăng thể lệ cuộc thi Plaspics Hunter, ấn tượng vì cuộc thi mang thông điệp thật sự ý nghĩa và có thể truyền tải nhiều giá trị tích cực đến với cộng đồng nên mình quyết định mời thêm 2 người bạn cùng tham gia.
Không chỉ dừng lại ở những bức ảnh về rác thải mà Plaspics Hunter còn trực tiếp tác động đến tư duy của người trẻ nói riêng và xã hội nói chung về thực trạng môi trường, đồng thời phản ánh lối sống “nhựa hoá” như ngày nay.
Sau khi có cơ hội được đặt chân đến những nơi có tình trạng ô nhiễm nhựa cao, cá nhân nhóm mình đã phần nào nhận ra được mối nguy hại và mức độ nghiêm trọng của rác thải nhựa trong môi trường sống. Từ việc ý thức đúng dẫn đến hành động, chúng em sẽ cố gắng góp thêm phần công sức nhằm lan toả thêm nhiều thông điệp sống xanh hơn nữa đến với cộng đồng như một trách nhiệm của một thế hệ xanh.