Tận dụng rác hữu cơ – Không thử làm sao biết?

Nằm ở ngã ba con đường nhỏ trên cồn Sơn, một hòn đảo nhỏ giữa sông Hậu, quán trái cây của cô Phượng là điểm dừng chân của du khách tham qua. Sạp hàng nhỏ chỉ bán nước cam và hoa trái: nhãn, bưởi, sầu riêng,…, mùa nào thức ấy.

Bán hoa quả và nước trái cây nên quán nhà cô Phượng có rất nhiều vỏ trái cây. Cô Phượng kể: “Trước đây, trừ vỏ bưởi là có nhiều người xin để gội đầu, hun muỗi hoặc xông, còn vỏ trái cây cô thường đem vứt bỏ”. Cần đây, cô Phượng đã được cán bộ Dự án “Vì sông Mê Kông không rác – Thí điểm kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi Cần Thơ” hướng dẫn cách tận dụng rác hữu cơ để làm nước rửa enzyme sinh học. Nguyên liệu làm nước rửa enzym là từ vỏ trái cây, trái cây thừa… Trong đó, vỏ khóm (dứa) và vỏ cam chanh là nguyên liệu lý tưởng nhất, tạo nên mùi thơm dịu cho sản phẩm.

Thế là ngày ngày cô đều gom vỏ cam và các loại vỏ trái cây khác, rửa sạch và dồn vào một thùng to để ngâm enzyme. Cô Phượng tâm sự: “Làm nước rửa nước enzyme có nhiều cái lợi: tận dụng được những phần thừa của hoa quả, lại có nước rửa tay, rửa bát để dùng, đỡ tốn tiền mua. Nước này hoàn toàn tự nhiên, không độc hại, sau khi sử dụng nếu xả xuống ao thì cũng không ảnh hưởng đến cá”.

Phần còn lại của rác hữu cơ hàng ngày, cô cũng tận dụng hết: cơm thừa thì cho vịt ăn, rau thừa và các loại vỏ hoa quả khác được tập trung vào đều cho vào “Vòng tròn chuối” – nơi ủ phân từ rác hữu cơ. Đây cũng là một biện pháp xử lý rác hữu cơ hiệu quả mà không tốn bất kỳ chi phí nào để tạo nguồn phân bón cho cây trồng và giảm lượng rác thải vận chuyển được Dự án áp dụng tại cồn Sơn.

Từ những thực hành bước đầu đơn giản như vậy, cô Phượng đã biết cách tận dụng rác thải hữu cơ từ nhà bếp, giúp giảm lượng hóa chất đổ ra môi trường, bảo vệ tầng ozone khí quyển, bảo vệ sức khỏe người thân trong gia đình. Cô Phượng nói: “Tận dụng được như vậy tốt lắm, vừa sạch nhà, vệ sinh, lại vừa có sản phẩm để sử dụng. Nếu không thử thì không thể biết được ích lợi của rác hữu cơ”.