Skip links

Biến rác thành tiền – Phần 2: Cô kể cho nghe câu chuyện dây buộc gạch

Cô kể cho nghe

Sau chiếc túi đi chợ từ pano, tôi phát hiện ra chị đồng nghiệp còn có thêm chiếc ống bút xinh xinh. Nghe nói cũng là đồ tái chế – từ dây buộc gạch. Tôi hoang mang, dây buộc gạch là cái gì? Làm như nào để đồ bỏ đi lại biến thành món đồ xinh xắn hữu dụng như này? Một lần nữa, tôi lại xuống Hạ Long để gặp cô Bình – tác giả của những sản phẩm xinh xắn từ dây buộc gạch này.

Đón tôi trong căn nhà ngập nắng sớm và rất nhiều sản phẩm đan dây buộc gạch cũ đã hoàn thiện, cô hồ hởi mời chúng tôi chén trà và bắt đầu câu chuyện “Cô kể cho nghe…..”

Cô Bình cùng tác phẩm giỏ đựng đồ đan từ dây buộc gạch đã qua sử dụng

Những ngày đầu “Tha rác về nhà”

Ý tưởng cho sản phẩm dây buộc gạch bắt đầu từ một buổi đi chợ bình thường, cô Bình chợt nhận ra những chiếc làn vẫn dùng để đi chợ hiện nay được đan chủ yếu từ chất liệu nhựa, nhưng là những sợi nhựa mới. Chưa kể, sau một thời gian sử dụng, chất lượng làn sẽ bị giảm sút. Sẵn với năng khiếu đan sản phẩm mây tre đan trong nhiều năm và chứng kiến dây buộc gạch nhựa sau khi sử dụng xong bị cắt hoặc đốt gây hại cho môi trường rất nhiều, cô Bình đã nảy ra ý nghĩ đan làn từ dây buộc gạch này – loại dây nhựa hay được chằng gạch ngói trong các công trình xây dựng!

Một số sản phẩm làn đan từ dây buộc gạch

Ý tưởng là thế nhưng khi thực hiện không hề dễ dàng. Bắt đầu từ khâu thu gom. Đầu vào – dây buộc gạch đã qua sử dụng hầu hết bị cắt vụn hoặc mang đốt bỏ. Khởi điểm, cô Bình và những người đồng hành song song làm việc với những nhà máy, công xưởng sản xuất vừa huy động người quen và cũng tự thu gom từng cọng dây lẻ bên đường. Đến khi đầu vào đã ổn định hơn, cô vẫn giữ thói quen để ý và thu nhặt từng cọng dây khi gặp ở bất kỳ đâu. Cô kể vui, giờ các cô nổi tiếng lắm rồi, chỉ cần thấy ai đang thu thập những cọng dây buộc gạch, người dân Hạ Long sẽ cười: “Chào các bác Hà Trung” (phường cô Bình ở – nơi phong trào bắt đầu – pv).

Dây buộc gạch sau khi thu gom sẽ được làm sạch và bó thành từng bó theo màu

Dây buộc gạch sau thu gom, sẽ được giặt sạch, sau đó phân loại theo màu và bó gọn. Cô kể nhiều người không tin những sản phẩm của cô là đồ tái chế vì trông mới và sạch sẽ quá, dù nhìn kỹ vẫn sẽ thấy dây bị sơ, dính chút vôi, chút vữa khó sạch. Tôi thì nghĩ, là do cô đã làm quá tốt công việc của mình đó thôi..

Những vết trầy xước, bạc màu đầy tự hào của dây buộc gạch đã qua sử dụng

Không chỉ mất công thu gom, làm sạch, loại nguyên liệu này trước đây còn chỉ có theo mùa. Vào mùa không xây dựng, dây buộc gạch cũng hiếm hơn. Mùa cao điểm, dây thu được cũng dây dài dây ngắn, màu sắc không theo ý muốn. Tuy nhiên, các cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mua dây mới về đan. Các cô hiểu, điều ý nghĩa nhất của sản phẩm nằm ở việc tái sử dụng, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Mua mới thì ý nghĩa đó cũng không còn. Thật sự, khi nghe điều đó, tôi đã vô cùng xúc động và biết ơn. Tôi muốn cảm ơn các cô đã suy nghĩ thật thấu đáo, cảm ơn những điều các cô đã giúp khẩu hiệu “Bảo vệ môi trường” không chỉ nằm trên giấy mà được hiện thực hóa bằng những câu chuyện rất đời thường. Những sản phẩm của các cô không chỉ đơn thuần là những chiếc làn, chiếc giỏ, mà còn là hiện thân của tinh thần chăm chỉ, chịu khó tìm tòi, học hỏi và chân thành muốn hạn chế rác thải xả ra môi trường.

Dây buộc gạch đan những nụ cười

Cô Bình tâm sự, những sản phẩm đan này trông đơn giản vậy nhưng một ngày một người thợ lành nghề chỉ đan được nhiều lắm là một chiếc. Quá trình để sản phẩm hoàn thiện và thiết lập quy trình đan được như bây giờ cũng lắm công phu và qua nhiều thời gian thực hiện và thử nghiệm.

Ban đầu, khi vấn đề được nêu lên, nhiều chị em phụ nữ nghe về ý tưởng cũng hào hứng muốn làm cùng. Tuy nhiên, lúc bắt tay vào để làm thực tế, mọi người mới nhận ra việc đan làn khó hơn so với hình dung ban đầu. Cũng có người nản chí, có người khác muốn tìm đường tắt để đan như dùng khuôn, dùng xô,… Nhưng sau cùng, các cô nhận ra đôi bàn tay khéo léo là công cụ tốt nhất để tạo một cuộc đời mới cho dây buộc gạch và cùng nhau mày mò kết hợp các chất liệu, màu sắc, tìm hiểu xem nhu cầu sử dụng của người dùng để cải tiến sản phẩm về chủng loại, kích thước, mẫu mã.


Sản phẩm hộp đựng đồ văn phòng được sản xuất thử nghiệm

Không chỉ có những thành phẩm là những sản phẩm thủ công, từ dây buộc gạch, các cô đã cùng nhau đan nên những nụ cười, đan nên niềm đam mê, trở thành những mạch ngầm lan toả tinh thần sống xanh, giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường.

GreenHub – với tư cách người đồng hành, luôn hỗ trợ giúp đỡ từ phát triển năng lực đến các phát triển ý tưởng kinh doanh mới. Hi vọng chặng đường sắp tới, sẽ luôn có sự đồng hành của những cá nhân, tập thể yêu môi trường.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đối với các sản phẩm tái chế tái sử dụng nằm trong dự án “Hỗ trợ Mạng lưới hành động về Rác thải nhựa” và Kết nối các bên liên quan cho thực hiện 3R (Tiết giảm – Tái Sử dụng và Tái chế) tại Việt Nam – Plastic Action Network (PAN) do GreenHub thực hiện, do quỹ Coca Cola toàn cầu tài trợ.

Explore
Drag