CON ĐƯỜNG TÁI CHẾ CỦA NGHỆ NHÂN XUÂN HOA

Vốn là nghệ nhân vẽ mẫu trên đồ thủy tinh, cô Nguyễn Thị Xuân Hoa (Hải Phòng) đã kết hợp niềm đam mê sáng tạo sản phẩm thủ công vào lĩnh vực tái chế. Từ những thứ tưởng như chỉ đáng vứt đi, như túi nilon đã qua sử dụng, những vỏ chai nhựa, những que kem, những mảnh bìa cũ,… dưới bàn tay của cô, chúng đã biến thành những sản phẩm hữu ích và mang vẻ đẹp tinh tế.

“Con đường tái chế” của nghệ nhân bắt đầu với những sản phẩm từ chai thủy tinh. Sau này, nhận thấy chai nhựa cũng có độ trong và nhiều kiểu dáng đẹp, lại rất dễ thao tác như cắt tỉa, uốn theo ý tưởng, nên cô đã thử tạo tác bằng nguyên liệu này. Càng về sau, nghệ nhân càng sử dụng nhiều loại “rác” khác nhau: túi nilon, thìa, cốc dùng một lần, các loại vỏ hộp, que kem,.. Khi giới thiệu trên Facebook, bạn bè và người nhà cô Xuân Hoa đều ủng hộ. Thế là các loại phế liệu được “ùn ùn” chở đến nhà cô. Nhiều người còn đùa vui: “Nghệ nhân gì mà chẳng khác… ‘bà đồng nát’!”.

“Thay đổi hoàn toàn sang sử dụng vật liệu tái chế không phải là việc dễ dàng”, nghệ nhân Xuân Hoa tâm sự. “Trước kia, để sáng tạo một tác phẩm thủ công, cô chỉ việc lên mạng đặt mua nguyên liệu để thực hiện. Còn bây giờ, để thực hiện đúng ý tưởng, cô phải tìm kiếm, thu gom, thậm chí ‘đặt hàng’ những thứ mà người khác thường vứt đi, để có thể sáng tạo ra tác phẩm của mình”.

Cô thường chia sẻ niềm đam mê tái chế của mình với mọi người, hướng dẫn các bà, các mẹ trong tổ khu phố, để mọi người cùng hiểu về giảm thiểu rác nhựa và chung niềm đam mê tái chế, bảo vệ môi trường. Rất nhiều trường học cũng mời nghệ nhân Xuân Hoa hướng dẫn các lớp học thủ công tái chế. Mỗi lớp học như một xưởng sáng tạo nghệ thuật, rộn ràng tiếng cười nói, với những đôi tay bận rộn, những ánh mắt lấp lánh niềm vui. Ai cũng háo hức để tự tay làm được những sản phẩm hữu ích từ đồ tái chế: những tấm thiệp xinh xắn được từ những mảnh túi bóng đã qua sử dụng, khung tranh từ vỏ hộp bánh, hay những ống bút xinh xắn từ vỏ chai nhựa và những que kem…