CỬA TIỆM HẠNH PHÚC – NƠI KẾT NỐI YÊU THƯƠNG CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Hội An, thành phố nổi tiếng với sự cổ kính và duyên dáng, nơi níu chân du khách bởi vẻ đẹp văn hoá lịch sử. Sự phát triển du lịch tại thành phố này đóng góp rất lớn vào nên kinh tế địa phương, song chính điều đó lại kéo theo sức nặng vì lượng rác thải ra môi trường hàng ngày.

Nhưng ít ai có thể ngờ được rằng, tại phường Cẩm Nam, TP. Hội An, có một nhóm phụ nữ khuyết tật đã cùng nhau góp phần vào việc giảm lượng rác thải hàng ngày. Với sự đồng hành của Trung tâm hỗ trợ phát triển Xanh (Greenhub), Trung tâm Nghiên cứu & Hỗ trợ hoà nhập cộng đồng (CORMIS), Phòng TN&MT TP. Hội An, Hội LHPN phường Cẩm Nam cùng sự hỗ trợ của CLB Vì môi trường Hội An (S.E.A Club), mô hình tái chế tạo sinh kế của chị em khuyết tật phường Cẩm Nam đã đặt những bước chân đầu tiên, hứa hẹn mang lại nhiều tiềm năng.

Nhóm làm việc có khoảng 10 người phụ nữ, đều là những người bị khuyết tật. Nhưng những khiếm khuyết ấy không thể ngăn họ làm việc, và thậm chí không thể ngăn cản họ bảo vệ môi trường. Từ vải thừa trong quá trình may mặc và rác thải nhựa, họ học hỏi lẫn nhau và tạo ra những sản phẩm tái chế hữu ích cho đời sống từ đôi bàn tay khéo léo của mình. Những sản phẩm này không chỉ mang tính thời trang, có ứng dụng cao mà còn là sản phẩm thân thiện với môi trường.

Những người phụ nữ phi thường ấy gọi CLB là Cửa tiệm hạnh phúc, bởi vì chính họ là những người hạnh phúc. Hạnh phúc vì được làm những điều có ích dù cơ thể có đôi phần khiếm khuyết, hạnh phúc vì vơi đi nỗi lo về sinh kế, hạnh phúc vì có những chỗ dựa tinh thần vững chắc. Ở nơi đó có những sản phẩm tái chế được tạo ra bằng tình yêu thương và tất cả tấm lòng họ dành cho nhau, cho cộng đồng và cho môi trường.

Video thực hiện bởi CLB Vì môi trường Hội An (S.E.A Club), với sự đồng hành của Phòng Tài nguyên – Môi trường TP. Hội An và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh, nằm trong khuôn khổ Dự án Giảm thiểu ô nhiễm nhựa bằng các giải pháp địa phương (LSPP).


Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương” (LSPP) được tài trợ bởi USAID thuộc chương trình “Dự án Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường” thực hiện bởi GreenHub cùng 03 đối tác (ISPONRE, HUPH-VOHUN, GIMASYS).