Cây nghệ nếp vốn là một giống nông sản bản địa đã được các nông dân tại huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn trồng tự phát bao đời nay. Thế nhưng hiện nay, chính giống nghệ nếp này đang thay đổi cuộc sống của các nông hộ tại đây khi được chuyển hướng canh tác thành nguồn nguyên liệu sạch để chế biến và xuất khẩu. Chuyện về những trăn trở xoay quanh việc đảm bảo chất lượng nông sản bản địa, điển hình là cây nghệ nếp của các nông hộ và chủ doanh nghiệp Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn có lẽ không chỉ là của riêng ai.
Từ những loay hoay của nông dân vùng cao...
Được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện khí hậu thích hợp, những ngọn đồi với chất đất giàu dinh dưỡng, nhiều năm trở lại đây, các hộ nông dân tại Pắc Nặm, Bắc Kạn đã bắt đầu chuyển từ trồng ngô sang trồng nghệ nếp bản địa loại cây gia vị năng suất cao hơn với tiềm năng kinh tế lớn. Họ tận dụng những lợi thế tự nhiên, đào đất và vun trồng cây nghệ theo kinh nghiệm, không chăm sóc nhiều nên năng suất chưa cao. Hơn nữa, đầu ra bấp bênh khiến các hộ tại đây chưa dám đầu tư nhiều để phát triển giống cây trồng này.
Năm 2016, thông qua Hội Nông dân tỉnh, Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn đã đặt vấn đề lien kết tiêu thụ toàn bộ đầu ra của củ nghệ cho bà con nông dân nhưng với điều kiện các nông hộ phải trồng nghệ hữu cơ, tuân thủ theo những yêu cầu mà doanh nghiệp đưa ra. Sau đó hơn 50 hộ dân tại Thôn Mèo, Xuân La, Pác Nặm, Bắc Kạn bắt tay vào trồng nghệ hữu cơ với mong ước thay đổi cuộc sống.
Từ đó, các nông hộ được tập huấn ít nhất 1 lần/năm, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây nghệ đạt năng suất tối đa, kết quả năm 2019 cả thôn Mèo thu hoạch khoảng 350 tấn nghệ, thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Thế nhưng, nông dân còn khá loay hoay trong việc đảm bảo chất lượng, ví dụ như đất trước kia bị phun thuốc hóa học, chưa đủ thời gian đào thải hóa chất nên không đạt tiêu chuẩn trồng nghệ hữu cơ hay trà trộn hàng kém chất lượng.
… đến những trăn trở của doanh nghiệp.
Chia sẻ với đoàn cán bộ, chuyên gia của GreenHub, anh Hà Văn Cường – Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn cho biết:
“Ngoài những khó khăn về việc quay vòng vốn chậm, doanh nghiệp hiện đang còn nhiều trăn trở về truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng. Bởi vì, quản lý chất lượng là yêu cầu thiết yếu của khách hàng, khi khách hàng càng quan tâm đến sản phẩm của doanh nghiệp thì doanh nghiệp càng phải nâng cao vấn đề quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc.”
Liên kết sản xuất và bao tiêu đầu ra nghệ và gừng với hơn 300 nông hộ tại Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn không chỉ tập huấn quy trình sản xuất mà còn tập huấn cả về cách thức quản lý tổ nhóm cũng như cách lên kế hoạch sản xuất. Điều này vừa giúp bà con mang lại thu nhập ổn định, doanh nghiệp ổn định đầu vào vừa giúp chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn, phần trăm hàng kém chất lượng ngày càng ít đi.
Tuy nhiên, về việc giám sát và quản lý chất lượng vùng nguyên liệu, doanh nghiệp hiện chỉ có một cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đi theo dõi, giám sát, hướng dẫn bà con làm đúng kỹ thuật vào những thời điểm cần thiết. Điều này khiến quy trình quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp chưa thật sự chuyên nghiệp, vậy nên Công ty Cổ phần Nông sản Bắc Kạn đã mong muốn được hỗ trợ về quản lý tổ nhóm cũng như giám sát nội bộ.
Qua chuyến khảo sát tại vùng nguyên liệu cũng như trao đổi về mong muốn với đại điện nông hộ, đại diện doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy Công ty Nông sản Bắc Kạn hội tụ những điều kiện cần và đủ để áp dụng Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia (PGS – Participatory Guarantee System). Chúng tôi vẫn đang tiếp tục khảo sát và cân nhắc các yếu tố để lựa chọn những doanh nghiệp phù hợp nhất tham gia dự án năm nay. Tiếp tục theo dõi và đồng hành cùng dự án EFD để xem hành trình áp dụng PGS của Nông sản Bắc Kạn cũng như các doanh nghiệp khác sẽ như thế nào trong năm 2020 nhiều biến động này các bạn nhé.