Những năm gần đây, rác thải từ những phao xốp bị vỡ trong nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên biển đã làm ảnh hưởng đến môi trường biển. Để hạn chế tình trạng trên, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) đã triển khai Dự án “Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải ở khu vực ven biển phía Bắc (vịnh Xanh), thời gian từ năm 2018 – 2020, tại quần đảo Cát Bà, TP. Hải Phòng và vịnh Hạ Long tỉnh Quảng Ninh.
Dự án đã thí điểm mô hình phao xốp phủ vật liệu sơn line X tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long, nhằm tăng độ bền của phao và hạn chế tác động đến môi trường nước biển trên vịnh, góp phần trong nỗ lực giảm rác thải nhựa (RTN), đặc biệt là rác xốp tại Việt Nam. Từ kết quả này, các chuyên gia có những đề xuất lồng ghép vào chính sách/chương trình của địa phương trong thực hiện Kế hoạch hành động giảm thiểu RTN của ngành thủy sản.
Hiệu quả mô hình thí điểm phao phủ sơn Line X
Hiện nay, trên phạm vi vùng lõi của Di sản vịnh Hạ Long có 53 hộ gia đình nuôi trồng thủy sản lồng bè, nhằm phục vụ cho mục đích du lịch. Trong đó, có 6 hộ tại khu vực làng chài Cửa Vạn, 32 hộ tại làng chài Vông Viêng, còn lại nằm rải rác ở các khu vực trên vịnh. Để nuôi trồng thủy sản, vật liệu nổi lồng bè được các hộ gia đình sử dụng phần lớn là phao phi bơm xốp (chiếm 90%) và phao xốp có bọc bạt (10%).
Trong đó, phao xốp là loại vật liệu có độ bền thấp, dễ bị vỡ, phát tán gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan, hoặc phao phi bơm xốp khi bị sóng gió lớn các chỗ van bơm, mối nối ghép cũng thường bị nứt vỡ làm xốp bên trong thất thoát ra môi trường. Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng phát thải các loại RTN trên vịnh cho thấy, có 5 loại rác được tìm thấy nhiều nhất trên vịnh là phao xốp theo số liệu tại biểu đồ sau:
Thành phần của 5 loại rác thải có sự thay đổi về thứ tự và thành phần qua 4 Chiến dịch làm sạch bãi biển. Tuy nhiên, rác xốp (chủ yếu là từ phao xốp là loại vật liệu nổi sử dụng trong nuôi thủy sản lồng bè), một loại nhựa có thành phần hóa học từ polymer polystyrene vẫn là rác thải phổ biến nhất ở vịnh Hạ Long. Vì vậy, nhằm tăng độ bền của phao xốp sử dụng trong nuôi lồng bè, Dự án đã lắp đặt 70 phao xốp phủ sơn Line X (đây là loại sơn của Mỹ đã được công bố tiêu chí về môi trường và độ bền theo tiêu chuẩn của USA) trong 2 đợt (tháng 1 – 2/2019 và tháng 1 – 6/2020). Kết quả sau gần 2 năm thử nghiệm cho thấy, việc dùng sơn Line X sơn phủ lên các quả xốp đã giúp làm tăng độ cứng, độ bền của các quả phao, giảm được tác động do va đập, hạn chế được vỡ, bong phao.
Hiệu quả về môi trường của vật liệu nổi trong nuôi lồng bè được thể hiện qua các tiêu chí về vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, dễ vệ sinh, không gây độc hại cho môi trường nuôi thủy sản (Điều 34 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết Điểm b, khoản 1, Điều 38 Luật Thủy sản). Như vậy, căn cứ vào các tiêu chí trên cho thấy, do sơn Line X là vật liệu có tính trơ cao với môi trường, bền vững trong môi trường nước biển nên hạn chế được tác động đến môi trường; các quả xốp không bị bung vỡ, làm tăng thời gian sử dụng quả xốp từ 3 năm lên 10 năm nên làm giảm việc sử dụng vật liệu phao xốp đầu vào, hạn chế phát thải RTN ra môi trường biển.
Về tiêu chí dễ vệ sinh, bề mặt sơn có độ trơn nhẵn nhất định so với phao xốp phủ bạt nên việc hạn chế bám bẩn có cải tiến hơn, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, một số người nuôi có phản ánh về việc vẫn có khá nhiều hà bám vào các quả xốp được sơn phủ. Giải pháp là người nuôi nên bọc thêm một lớp lưới ở phía ngoài quả phao được phủ sơn Line X để hạn chế hà bám, giúp làm giảm công lao động vệ sinh phao. Ngoài ra, theo đánh giá của các cơ quan quản lý môi trường địa phương thì sơn Line X có nhiều màu nên có thể chọn các màu sơn phù hợp với cảnh quan của vùng Di sản – đảm bảo cảnh quan sạch, đẹp là ưu tiên trong phát triển du lịch.
Sự tham gia của các bên liên quan và khuyến nghị lồng ghép vào chính sách/chương trình của địa phương và ngành thủy sản
Dự án vịnh Xanh và sáng kiến thử nghiệm sơn Line X được triển khai tại tỉnh Quảng Ninh, nằm trong định hướng của tỉnh phát triển thủy sản hướng ra biển, do các diện tích thủy sản ven bờ hiện đang bị suy giảm 40% và sắp tới cần giảm nữa để “nhường chỗ” cho các hoạt động đô thị hóa và công nghiệp hóa. Điều này đã được cụ thể hóa trong “Đề án Phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng. Đồng thời, hiện nay Sở KH&CN phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở TN&MT tỉnh triển khai Đề tài nghiên cứu KHCN cấp tỉnh về “Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của các vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản và công bố vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường” (theo Quyết định số 2481/QĐ-UB ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh), kết quả thí nghiệm mô hình phao xốp phủ vật liệu sơn line X sẽ là cơ sở để ban hành Quy chuẩn địa phương (QCĐP) về “Vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh”.
Ngoài ra, hiện nay trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long vẫn còn tồn tại 53 hộ gia đình nuôi trồng thủy sản lồng bè, chủ yếu phục vụ cho mục đích du lịch. Việc thực hiện mô hình phao xốp phủ vật liệu sơn line X là một trong những sáng kiến hữu ích nhằm phát triển bền vững các lồng bè nuôi thủy sản tại các làng chài, gìn giữ môi trường, cảnh quan của Di sản thiên nhiên thế giới. Kết quả của mô hình cũng góp phần vận động chính sách nhằm giảm thiểu RTN trong nuôi trồng thủy sản, theo văn bản số 6419/UBND-MT ngày 5/9/2019 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tăng cường công tác BVMT trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và xây dựng các công trình nổi trên địa bàn tỉnh.
Lồng ghép vào Kế hoạch hành động giảm thiểu RTN ngành thủy sản
Ở cấp quốc gia, Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐ) về quản lý RTN đại dương đến năm 2030 Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg, ngày 4/12/2019 với mục tiêu chính “bảo đảm ngăn ngừa việc xả RTN từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu RTN đại dương” (KHHĐ 1746). Để thực hiện KHHĐ cấp quốc gia (KHHĐ 1746), ngành thủy sản đang tiến hành xây dựng “Kế hoạch hành động quản lý RTN ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030” trình Bộ NN&PTNT phê duyệt và chỉ đạo thực hiện. Nội dung của KHHĐ quản lý RTN ngành thủy sản sẽ tập trung vào việc quản lý và giảm thiểu các loại phao xốp được dùng làm vật liệu nổi trong các lồng bè nuôi thủy sản. Như vậy, các loại phao xốp hiện đang được dùng làm vật liệu nổi trong các lồng bè nuôi thủy sản với thành phần chính là nhựa cũng nằm trong đối tượng điều chỉnh của Kế hoạch hành động ngành thủy sản. Các chuyên gia của Dự án đã kiến nghị các cơ quan soạn thảo KHHĐ quản lý RTN ngành thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cần xem xét lồng ghép đề xuất sử dụng các vật liệu thay thế vật liệu nhựa trong nuôi trồng thủy sản. Đối với các trường hợp sử dụng phao xốp trong nuôi trồng thủy sản lồng bè thì cần phủ lớp sơn Line X hoặc các loại vật liệu phù hợp khác lên bề mặt phao để tăng độ bền của phao xốp, chống chịu va đập, nén, kéo trong quá trình sử dụng.
Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo triển khai nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá tác động của RTN trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm do RTN (lĩnh vực thủy sản)” trong thời gian 2 năm 2020-2021và giao cho Viện Kinh tế và uy hoạch thủy sản (VIFEP) chủ trì thực hiện. Nhiệm vụ điều tra bao gồm 6 nội dung chính: Điều tra đánh giá hiện trạng RTN trong hoạt động sản xuất thủy sản; Xây dựng dự thảo Kế hoạch Quản lý và kiểm soát RTN trong ngành thủy sản; Đánh giá tác động của RTN tại các khu bảo tổn biển, cộng đồng dân cư ven biển và trong hoạt động sản xuất thủy sản ven biển; Đề xuất giải pháp và chính sách tăng cường hiệu quả công tác quản lý, phân loại, thu gom, tái sử dụng RTN trong sản xuất thủy sản; Xây dựng các mô hình thu gom, phân loại, tái sử dụng, quản lý và kiểm soát RTN trong sản xuất thủy sản và Truyền thông nhân rộng mô hình thu gom, phân loại, tái sử dụng RTN trong thủy sản. Trong đó, tập trung vào “đề xuất giải pháp và chính sách…”, khuyến nghị sử dụng vật liệu gia cố phao xốp trong nuôi thủy sản biển lồng bè là sơn Line X hoặc các loại vật liệu tương tự phù hợp khác. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh có số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản lớn trong khu vực đồng bằng sông Hồng, với tổng số 8.460 tàu thuyền các loại cả khai thác gần bờ, vùng lộng và vùng khơi nên cần nhân rộng việc áp dụng mô hình sơn Line X trong sơn phủ hầm bảo quản của các tàu thuyền nhằm đảm bảo môi trường – vệ sinh cho tàu cá và lồng bè nuôi thủy sản tại địa phương.
Có thể thấy, các kết quả mô hình thí điểm phao xốp phủ vật liệu sơn line X đã được khuyến nghị lồng ghép vào trong các chính sách, chương trình, văn bản chỉ đạo điều hành của ngành và địa phương về phát triển nuôi trồng, quản lý môi trường thủy sản, nhằm góp phần BVMT biển và đảm bảo cho nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
TS. Cao Lệ Quyên
Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản (VIFEP)
ThS. Trần Thị Hoa
Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub)
ThS. Đinh Xuân Lập
Trung tâm Hợp tác Quốc tế nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)