Cách TP.HCM 50km về phía đông nam, Cần Giờ là nơi có Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ – Di sản thế giới đầu tiên của Việt Nam, được UNESCO công nhận ngày 21 tháng 1 năm 2000. Từng bị chiến tranh tàn phá, Khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ ngày hôm nay là thành quả của sự quyết tâm, cố gắng và nỗ lực của người dân địa phương trong 40 năm qua trong công tác khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ, kiến tạo “lá phổi xanh” cho thành phố Hồ Chí Minh.
Với mong muốn bảo tồn, phát triển bền vững “lá phổi xanh”, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng UBND huyện Cần Giờ đã tăng cường đưa ra các kế hoạch, chỉ thị thông qua nhiều hình thức khác nhau nhằm giảm ô nhiễm môi trường, phục hồi đa dạng sinh học. Tuy nhiên, các biện pháp của địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực và cách tiếp cận, dẫn đến không thể xử lý triệt để vấn đề về rác thải sinh hoạt. Mỗi năm huyện Cần Giờ có trung 15.000 tấn rác thải sinh hoạt, tốc độ sử dụng nhựa tăng 7-8%/năm, trong đó chỉ có 15% nhựa được thu gom và tái chế.
Với mong muốn chung tay xây dựng mô hình tuần hoàn về rác thải nhựa thông qua việc thúc đẩy sự hợp tác của người tiêu dùng, cá nhân thu gom, doanh nghiệp tái chế và chính quyền địa phương trong công tác thu gom, tái chế rác thải, đồng thời thu thập các phản hồi về các chính sách cấp quốc gia, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) phối hợp với UBND huyện Cần Giờ triển khai dự án “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ”, với sự tài trợ từ Quỹ Coca-Cola Toàn cầu.
Đại diện cho đối tác đồng hành cùng dự án, Ông Trần Nhựt Hiện, Giám đốc Chuỗi cung ứng, Công ty TNHH Nhựa Tái Chế Duy Tân chia sẻ: “Với sứ mệnh ‘Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa tại Việt Nam’, khi đồng hành cùng Dự án, chúng tôi mong muốn hỗ trợ người dân nâng cao ý thức trong hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, cải thiện thu nhập cho các hộ thu gom rác thải, giảm thiểu sự xâm lấn của rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ và thực thi mô hình kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả”.
Dự kiến dự án này triển khai tới tháng 12-2023 với ba phần chính gồm: đánh giá thực trạng rác thải nhựa tại địa phương; thiết kế giải pháp, mô hình kinh tế tuần hoàn và tăng cường năng lực các bên liên quan trong triển khai mô hình và truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và quảng bá doanh nghiệp tái chế nhựa.
Bà Saadia Madsbjerg, chủ tịch Quỹ Coca-Cola Toàn cầu chia sẻ: “Chúng tôi tự hào khi được hỗ trợ dự án ‘Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa tại huyện Cần Giờ’. Đồng thời, chúng tôi cũng rất vui mừng khi có cơ hội hợp tác với các đối tác gồm UBND huyện Cần Giờ, Công ty TNHH Nhựa Tái Chế Duy Tân và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh GreenHub nhằm giảm những tác động của rác thải nhựa đến các vùng ven biển Việt Nam”.
Người dân Cần Giờ mong đợi Dự án sẽ có những đóng góp đáng kể để cải thiện tình trạng ô nhiễm rác thải ở Cần Giờ đang ngày càng nghiêm trọng do lượng lớn rác thải từ biển vào hệ thống sông Lòng Tàu, sông Soài Rạp và rác thải sinh hoạt tăng lên do quá trình đô thị hoá trong những năm gần đây.
Theo Phó Giám đốc GreenHub Nguyễn Thị Thu Trang, Dự án sẽ là mô hình thí điểm cách tiếp cận mới và sáng tạo của mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Cần Giờ. GreenHub hy vọng sẽ có thể lan tỏa mô hình này sang các địa phương khác trong tương lai”.