/HēRōS/: ZERO – ANH HÙNG 0 – Số thứ 2

Hê lô các bạn, các bạn ăn Tết có vui vẻ khommm :>

Vậy hãy cùng chia sẻ niềm vui đó với GreenHub, làm bữa Tân niên với nhau và thưởng thức vài chiếc bánh chưng nào. Nhưng những chiếc bánh chưng này lại vô cùng đặc biệt nhaaa, chúng được gọi là bánh chưng “đen”.

Bài viết Anh hùng 0 tuần này sẽ kể về Tổ liên kết sản xuất Bánh chưng đen ở Lào Cai. Và tại sao chúng lại được gọi là bánh chưng đen thì hãy cùng nhau tìm hiểu qua số thứ 2 với tựa đề:

TRUYỀN THỐNG NHƯNG KHÁC BIỆT

Bánh chưng đen là đặc sản của dân tộc Tày tại tỉnh Lào Cai, tuy nhiên chỉ khoảng 5 năm gần đây mới trở thành một sản phẩm được bán rộng rãi. Với mong muốn ban đầu là giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, Tổ liên kết (TLK) bánh chưng đen được thành lập bởi gia đình chị Hoàng Thị Huế, cùng với chị Nguyễn Thị Thương ở tổ dân phố Mạ 2, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Ban đầu chị Hoàng Thị Huế tập hợp khoảng 10 chị em trong địa phương để thành lập tổ hợp tác với mong muốn bảo tồn sản phẩm bánh chưng đen của người Tày và tạo ra thu nhập cho các chị em phụ nữ trong tổ. Chiếc bánh chưng đen dẻo thơm vừa mang trong mình nét văn hóa truyền thống, lại vừa mang nét độc đáo, riêng biệt của dân tộc Tày với màu đen của vỏ bánh làm từ bột than của cây núc nác. Quá trình làm bánh vô cùng cầu kỳ, đòi hỏi cao về kỹ thuật và sự kỹ lưỡng trong lựa chọn nguyên liệu. Bởi tất cả nguyên liệu đều được trồng và thu hoạch tại địa phương, đảm bảo nguồn cung, chất lượng và an toàn thực phẩm, nên mỗi sản phẩm có giá trị cao và đậm đà nét truyền thống. 

Dù sở hữu sản phẩm bản địa độc đáo, nhưng TLK vẫn khá loay hoay trong cách thức tổ chức, quản lý và kinh doanh. Bánh chưng vẫn được bán hoàn toàn bằng phương thức truyền miệng cho người quen, giá bán chỉ mười nghìn đồng một chiếc bánh gù và ba mươi nghìn  một chiếc bánh dài – giá tiền chưa tương xứng so với giá trị  của sản phẩm do các chị em chưa biết cách định giá. 

Tháng 6/2020, TLK được lựa chọn tham gia dự án “Thúc đẩy Doanh nghiệp nữ Lào Cai mở rộng kinh doanh” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai và Công ty TNHH Hỗ trợ Phát triển Xanh phối hợp thực hiện, nằm trong khuôn khổ dự án GREAT do Chính phủ Australia tài trợ. Với sự đồng hành của cố vấn địa phương Vi Thị Loan, TLK đã được “cầm tay chỉ lối” xuyên suốt dự án từ hạch toán thu chi, định giá sản phẩm đến cải thiện quá trình sản xuất, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, mở rộng liên kết thị trường.

Những thay đổi rõ rệt có thể nhìn thấy chính là các chị em trong Tổ liên kết đã biết cách làm sổ sách, tính toán thu chi và định giá sản phẩm bánh chưng bán ra hợp lý hơn. TLK cũng đã nhận ra được lợi thế và tiềm năng cũng như những mặt hạn chế của mình. Để cải thiện quá trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra TLK đã kiện toàn quy trình sản xuất, sửa chữa, nâng cấp cơ sở sản xuất, tăng quy mô để đáp ứng với nhu cầu thị trường. Đặc biệt TLK đã tự tin làm ra bản kế hoạch và ý tưởng kinh doanh phù hợp với mục tiêu và phương hướng phát triển trong tương lai, đa dạng hóa kênh marketing như Facebook, Zalo,…

Không chỉ vậy, sản phẩm bánh chưng đen đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là một sự ghi nhận và cũng là khích lệ rất lớn đối với Tổ liên kết của chị Huế. Hiện nay TLK bán được khoảng 1.500 chiếc bánh/ ngày, và vào những dịp cao điểm có thể bán lên tới 2.000 chiếc/ngày cho các khách hàng tại các tỉnh và Hà Nội. Bánh chưng đen cũng đã xuất hiện nhiều hơn trong các hội chợ và nhà hàng tại Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng. Giá bán trong khoảng 12.000 đồng/bánh cho loại bánh gù, 30.000 đồng /bánh dài và 50.000 đồng/bánh vuông. Nhờ tăng trưởng quy mô sản xuất, TLK đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên dưới mười chị em trong tổ dân phố với mức thu nhập từ 150.000 – 200.000 đồng/người/ngày. 

Chiếc bánh chưng đen đã trở thành một đặc sản ngày càng được nhiều người biết đến của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, được làm nên bởi bàn tay của những người phụ nữ chịu thương chịu khó dân tộc Tày nơi đây. Tổ liên kết bánh chưng đen của chị Huế là một trong những điểm sáng về nâng quyền phụ nữ trong khuôn khổ dự án GREAT, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên và thu nhập cho nhiều hộ gia đình tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.


Anh hùng bắt đầu từ số 0

Vậy sao không trở thành anh hùng(?)

Vậy là bài số tuần này đã đến hồi kết, hãy để lại những cảm nghĩ của mình về câu chuyện trên dưới phần comment nha. 

Chuyên mục ANH HÙNG 0 chúng mình sẽ đăng vào khung giờ 20h00 Chủ Nhật hàng tuần. Các bạn hãy chú ý đón xem số tiếp theo nhé!!

——————-

✏️ Nếu các bạn muốn đóng góp những câu chuyện giản dị đời thường của chính mình hay những câu chuyện ý nghĩa cảm động diễn ra xung quanh đời sống thường ngày của bạn, vậy thì xin hãy gửi thư đến địa chỉ hòm thư sau đây!! 

Chúng mình luôn sẵn lòng tiếp đón những mẩu chuyện hay ho và thú vị liên quan tới hoạt động giảm tác động môi trường và tác động tích cực tới mọi người xung quanh!!!

? Hòm thư góp ý: [email protected] 

? Lưu ý: Vui lòng các bạn hãy gửi mail với tiêu đề theo format sau đây:

Chuyenmucanhhung0-Cauchuyendonggop-HovaTen 

(VD: Chuyenmucanhhung0-Cauchuyendonggop-NguyenMinhHai)

Trong đó nội dung mail ghi rõ yêu cầu ĐƯỢC CHỈNH SỬA/KHÔNG ĐƯỢC CHỈNH SỬA bài viết.