/HēRōS/: ZERO – ANH HÙNG 0 – Số thứ 23

Số thứ 23 của ANH HÙNG 0 là những chia sẻ độc đáo về việc thực hành xanh của chị Nguyễn Phương Bình – Cán bộ Chương trình tại GreenHub. Đối với chị Bình, lối sống tỉnh thức, lối sống giúp chúng ta nhìn nhận một cách thấu đáo hơn về bản thân và thế giới xung quanh, là kim chỉ nam giúp chị hướng đến một phong cách sống xanh và bền vững hơn.

1. Điều gì đã đưa chị Phương Bình đến với quyết định gắn bó với phong cách “sống xanh”?

Hồi bắt đầu biết đến thầy Thích Nhất Hạnh, mình từng nhận được một thông điệp từ một cuốn sách của thầy, rằng: “Bất kì hành động nào của mình, từ việc ăn uống, tiêu dùng, hay thậm chí là suy nghĩ, mình sẽ phải để ý đến tác động của chúng đến thế giới xung quanh, làm sao để mình có thể giảm bớt những tổn thương mà mình gây ra”. Mình cảm thấy rất kết nối với thông điệp đó, và nó đã phần nào định hướng phong cách sống xanh của mình. 

Ngoài ra, mình cũng khá thích xem phim tài liệu và vô tình biết đến những tin tức về ô nhiễm rác thải nhựa, về thời trang nhanh, quá trình sản xuất những mặt hàng tiêu dùng ảnh hưởng như thế nào đến người tạo ra sản phẩm đó và đến môi trường. Qua quá trình tích luỹ, mình nhận ra rằng với tư cách là một người tiêu dùng, quyết định lựa chọn của mình rất quan trọng đối với việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Hơn thế nữa, khi mình lựa chọn lối sống này, mình cảm thấy bản thân mình mỗi ngày đều tạo ra một ý nghĩa nhất định cho cuộc sống. Đó là lý do vì sao mình lại bền bỉ với phong cách sống xanh này đến vậy.

Thật ra mình không thường gọi lối sống của mình là sống xanh, nó chỉ có định hướng xanh thôi. Để xanh thật thì khá thách thức đấy. Mình thích gọi lối sống của bản thân là sống tỉnh thức hơn. Tức là trước khi đưa ra một quyết định nào đó, mình sẽ dành một phần thời gian để suy nghĩ xem liệu việc mình làm có ảnh hưởng như thế nào đến bản thân, đến mọi người xung quanh và đến môi trường.

2. Theo chị Phương Bình, liệu “sống xanh” có khó như mọi người nói? Làm cách nào để chị nuôi dưỡng động lực sống xanh?

Không biết người khác thấy thế nào nhưng đối với mình thì việc sống xanh cũng không quá khó đâu. Thách thức lớn nhất đối với những bạn mong muốn theo đuổi lối sống này là việc chúng ta phải từ bỏ nhu cầu tiêu dùng của mình, giống như phải đấu tranh với bản thân vậy. Trong mô hình 4R (Từ chối – Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế), từ chối là khâu khó nhất, bởi mình phải đấu tranh xem mình có thực sự cần sản phẩm đó không. Việc mình mua như thế tức là một phần tài nguyên của trái đất sẽ được sử dụng dành cho cái nhu cầu đó của mình. Nếu như mình thực sự không cần thì cái tài nguyên đấy sẽ bị lãng phí, bởi nếu không cần thì chúng ta sẽ dùng nó không trân trọng, sẽ vứt đi rất nhanh. Đó là điều mình nghĩ là khó nhất. 

Còn về động lực để nuôi dưỡng lối sống xanh, theo mình, đầu tiên động lực đó phải đến từ chính chúng ta mà không phải vay mượn từ ai, nó phải thực sự kết nối với bản thân chúng ta. Có như vậy thì mình mới có thể bền bỉ với lối sống đó được. Ngoài ra, để động lực đó được nuôi dưỡng nhiều hơn, chúng ta nên có kết nối với những người có xu hướng giống mình. Thật ra chỉ cần làm chính bản thân mình thôi, bởi “những người chung đường kiểu gì cũng sẽ gặp nhau” mà. Mình may mắn có những người bạn bè, anh chị, cô chú cùng chia sẻ những giá trị ấy và khi mình trò chuyện cùng họ, mình hiểu thêm và có niềm tin hơn vào hành động của mình. Đối với mình, niềm tin là điều rất quan trọng trên hành trình theo đuổi lối sống xanh.

3. Chị Phương Bình đã và đang thực hành sống xanh như thế nào ạ? 

Thực hành sống xanh của mình khá là đa dạng về mọi khía cạnh.

Về khía cạnh sinh hoạt hằng ngày, mình lựa chọn thay thế khăn mặt, bàn chải, kem đánh răng thông thường bằng những vật liệu thân thiện với môi trường hơn, như bàn chải tre hay kem đánh răng từ cà tím. Rồi thì giấy ăn cũng bớt sử dụng, mình thường dùng khăn tay để lau miệng, chịu khó giặt xíu thôi nhưng bớt được một lượng giấy lãng phí.

Về khía cạnh mua sắm, nếu mình không cần thì sẽ không mua. Với những đồ cần phải mua như quần áo, mình sẽ chọn cửa hàng second-hand. Đối với đồ gia dụng, nếu có thể dùng đồ second-hand thì mình cũng sẽ sử dụng. Giá thành rẻ hơn và chất lượng vẫn rất tốt, không nguy hiểm cho người dùng, và còn bớt được lượng rác thải điện tử nữa.

Về khía cạnh ăn uống, mình thường chọn những thực phẩm rõ nguồn gốc. Tuy rằng giá thành có hơn cao một xíu nhưng mình sẽ biết rõ về nguồn gốc của những gì mình ăn, chúng được trồng ra sao, quá trình canh tác như thế nào,… Mình cố gắng để tìm hiểu và lựa chọn những sản phẩm như thế trong cuộc sống hằng ngày của mình.

4. Là một chiến binh theo đuổi lối sống xanh, chị Phương Bình sẽ làm thế nào để lan tỏa việc hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa một lần tới mọi người xung quanh, đặc biệt là bạn bè và người thân của mình ạ?

Mình không dám nhận bản thân là chiến binh theo đuổi lối sống xanh đâu, vì chiến binh đồng nghĩa với việc phải đấu tranh, mà mình thì không đấu tranh với cái gì hết. Mình cũng không hẳn là sống xanh mà chỉ sống tỉnh thức thôi.

Từ trải nghiệm cá nhân của mình, để lan tỏa một lối sống thì mình phải bền bỉ với lối sống đấy thì mới thuyết phục người khác được. Sự bền bỉ chứng tỏ được việc mình đang làm nó có giá trị, ý nghĩa nào đó, ít ra nó phải lớn lao vs bản thân mình thì mình mới lựa chọn. Chính sự bền bỉ đó sẽ mang đến niềm tin cho người thân, bạn bè xung quanh mình.

Ngoài ra, một điều quan trọng là chúng ta cần luôn trong trạng thái cởi mở để chia sẻ những thông tin mà mình biết để mọi người hiểu hơn, về việc tại sao phải giảm thiểu sử dụng đồ nhựa một lần, việc mình mua sắm cái này, ăn cái kia ảnh hưởng như thế nào đến môi trường tự nhiên, đến người lao động sản xuất ra mặt hàng đó. Mình nghĩ phần chia sẻ thông tin rất quan trọng vì cá nhân mình khi đưa ra những quyết định lựa chọn tiêu dùng như thế nào để bền vững nhất thì đầu tiên mình phải biết và hiểu những thông tin đó đã.

Thêm nữa, chia sẻ là không đủ, mình cần phải là người hướng dẫn ng khác thực hành nữa. Nếu như họ quan tâm rồi, họ muốn thay đổi rồi, nhưng khi bắt đầu còn nhiều bỡ ngỡ và cần được hướng dẫn, thì mình nên sẵn sàng làm điều đó.