/HēRōS/: ZERO – ANH HÙNG 0 – Số thứ 26

Khi nói đến việc bỏ phố xá để về với tự nhiên, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới câu chuyện về hưu để an dưỡng tuổi già.

Tuy vậy, ngày nay, ra có thể “bắt gặp” nhiều bạn trẻ có xu hướng về sống gần gũi hơn với thiên nhiên, đất trời, vừa để tìm cảm giác thảnh thơi sau những ngày học tập và làm việc mệt mỏi, vừa là để trải nghiệm, là để khám phá, để yêu hơn những nhành cây, ngọn cỏ, khí trời trong xanh.

Trong số Anh hùng 0 ngày hôm nay, chúng mình hãy cùng gặp gỡ một nhân vật đặc biệt, là người con của núi rừng – sinh ra và lớn lên tại vùng ngoại ô của thành phố ngàn hoa Đà Lạt – anh Vĩnh Công, để nghe anh chia sẻ một góc nhìn khác, một tư duy tiếp cận khác đối với “BỎ PHỐ VỀ RỪNG”, cùng những câu chuyện xung quanh nhé!

1. Tại sao anh lại quyết định quay lại Đà Lạt sau nhiều năm sinh sống và làm việc ở những thành phố lớn như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hội An,… ? Ở Đà Lạt có nhiều các bạn trẻ “bỏ phố về rừng” không? 

Mình lớn lên ở một thung lũng ngoại ô của Đà Lạt, một trong những thung lũng quan trọng nhất dùng để sản xuất nông nghiệp. Mình thừa hưởng cái tình yêu với nông nghiệp từ ba của mình, một kĩ sư nấm học, và cũng là người khởi xướng những bước đi đầu tiên của hành trình nông nghiệp diện tích lớn, với rất nhiều ứng dụng, phát kiến vẫn được dùng cho đến tận bây giờ. Hồi nhỏ, ba mình thường đưa mình lên nông trường của gia đình nói về giấc mơ nông nghiệp của ông. Chính những điều đó khiến mình được truyền cảm hứng rất nhiều, đồng thời là nền tảng để bây giờ mình dùng để phản biện lại cái ý tưởng về nông nghiệp của mình.

Mình quay trở về Đà Lạt vì sau khi đi một vòng nước Việt, mình phát hiện ra là không có vùng đất nào đáng sống và có thể sống vui vẻ như ở thung lũng nhà mình, quanh năm có rau xanh, hoa tươi, khí hậu ôn hòa, và cả một bối cảnh văn hóa xã hội cởi mở và luôn đổi mới. Một phần nữa, Đà Lạt bắt đầu có những chỉ dấu cho sức bật phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp và du lịch. Lúc đó, mình không gọi mình là bỏ phố về rừng mà chỉ là mình về lại nhà về lại xứ sở của mình thôi.

Trong 5 năm qua khi mà mình trở về thì cũng trùng hợp thay lại đúng vào thời điểm phong trào Bỏ phố về rừng diễn ra rất là sôi nổi, và với một vùng đất trù phú như Đà Lạt thì gần như là một điểm đến tiềm năng cho phong trào này.

Ở Đà Lạt, có hẳn một cộng đồng và group có tên là “Bỏ phố về rừng”, mình cũng tham gia và cũng có một số hoạt động kết nối thường xuyên, như là trao đổi vật phẩm, sản phẩm từ farm hay các ngày kết nối. Mình không biết các cộng đồng bỏ phố về rừng ở các địa phương khác như thế nào, cộng đồng ở Đà Lạt này thì rất đông, mà ở đây mình cũng chú thích thêm là cái tên Đà Lạt nó chỉ là một chỉ dấu thôi để mọi người dễ hình dung, định vị thôi, chứ thực tế, nói đến cộng đồng nông nghiệp Đà Lạt thực tế là một cái khu vực địa tương đối lớn nó bao gồm nhiều phân mảnh của nhiều huyện khác giáp ranh nữa.

2. Rất nhiều các bạn trẻ hiện nay cảm thấy mệt mỏi ở chốn phồn hoa đô thị và có ý định từ bỏ việc làm ở thành phố lớn để về quê, về những miền rừng núi để sinh sống. Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn không? 

Việc quay trở về với thiên nhiên, sống gần gũi với thiên nhiên, cá nhân mình cho rằng đây là một điều rất cần thiết và thật sự tốt cho tất cả, chúng ta, hệ sinh thái. Thế nhưng, nếu chỉ vì áp lực, mệt mỏi ở chốn công sở, cuồng quay công nghiệp ở thành phố lớn mà vội nghĩ ngay đến việc Bỏ phố về rừng thì mình cho rằng cũng rất nguy hiểm, nếu như chúng ta không có một nhìn nhận đúng đắn về bản chất của cuộc chuyển đổi này. Mà chúng ta phải cắt nghĩa luôn là về Rừng là về với hoạt động sản xuất nông nghiệp, về với nông thôn chứ không phải bất kì cánh rằng nào nghĩa tường minh nào cả.

Thứ nhất, về bản chất thì con người chúng ta luôn đi tìm kiếm sự hạnh phúc – một cảm cái giác được thoải mái, đủ đầy, dẫu rằng định nghĩa về hạnh phúc mỗi người mỗi khác, và mỗi thời điểm mỗi khác, nhưng nó cũng chỉ xoay quanh 3 cái liên kết quan trọng: một là, kết nối với chính mình – kết nối với thế giới nội tâm bên trong mình, biết được mình cần gì, muốn gì, sẽ như thế nào, lắng nghe được bản thân của mình; hai là, kết nối với người khác, bao dung, đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ được với người khác; ba là, kết nối với thiên nhiên, yêu thương, trách nhiệm, bảo vệ muôn loài. 

Nếu một trong ba kết nối này có vấn đề thì bạn sẽ luôn cảm thấy khổ sở, bất an và đầy mệt mỏi. Cho dù bạn có đi đâu, ở đâu chăng nữa. Chính vì điều đó, nếu cuộc chuyển đổi của bạn từ phố về rừng mà các vấn đề vẫn còn đó thì rất tiếc bạn sẽ sớm thất vọng, đau khổ, và về lại phố thôi. Nó giống như hiện tượng Phượt nổi lên cách đây vài năm, chúng ta lang thang đi đây đi đó nhưng sau đó trở về thì các bất ổn vẫn còn ở đó trong văn phòng làm việc, trong phòng ngủ của mình, trong tâm trí của mình. 

Thứ hai, là chúng phải hiểu được bản chất thực sự của Bỏ phố về rừng là sự quay trở lại. Quay trở lại với thiên nhiên, quay trở lại với nông nghiệp, mà với nông nghiệp thì quay lại với đất là quan trọng nhất.
Hiện trạng hiện nay, thì mình thấy có 2 kiểu Bỏ phố về rừng. Một là xem bỏ phố về rừng là một phương thức tạo ra sinh kế, tức là đơn thuần chỉ là làm nông nghiệp tạo ra sản phẩm, bán sản phẩm đấy để có thu nhập sinh sống, hoặc dưới hình thức tiêu cực hơn, mượn bỏ phố rừng để chiếm dụng đất rừng, phân lô bán nền cho hoạt động bất động sản trái phép, phục vụ cho sự cư trú, nghĩ dưỡng đơn thuần.

3. Liệu có khó khăn nào mà chúng ta có thể phải đối mặt khi Bỏ phố về rừng không ạ? 

Ở đây mình sẽ nói đến những điều cơ bản để bạn có thể tồn tại được đã theo cái thấp nhu cầu của Masllow, thì nhu cầu đầu tiên và cơ bản nhất của một con người đó là ăn uống, nghỉ ngơi, sex, sức khỏe, và an toàn.

Trong hệ sinh thái của mình thì mình thấy có rất nhiều cách tiếp cận để bắt đầu một cuộc thay đổi từ Phố về Rừng.

Có người thì dùng thời gian để tiếp cận, lúc đầu thì là một mảnh đất nhỏ, trồng rau, họ thiết lập hệ sinh thái, thiết lập các mối quan hệ trong cộng đồng địa phương, và họ chuyển dịch dần, họ vẫn đi làm ở đâu đó.

Có người thì họ dùng tài chính, bùm một cái từ phố về luôn, họ set-up một mô hình nào đó trên đất của mình, vận hành nó với cái chuyên môn họ có sẵn, và thường thì họ cũng đã có sẵn một hệ sinh thái, động đồng. Và họ cũng thường là đã tìm hiểu rất kĩ về phương án chuyển đổi rồi.

Nhưng cho dù cách tiếp cận nào đi chăng nữa thì bạn cũng phải đối mặt và đảm bảo một số điều kiện cơ bản nhất định cho việc sinh tồn trong quá trình chuyển từ phố về rừng, vốn không còn nhiều những điều kiện thuận lợi nữa như ở thành phố nữa.

Bạn phải có nguồn thực phẩm thường xuyên và đủ đầy, phải có một phương án phòng ngừa rủi ro cho việc tiếp cận y tế trong trường hợp cần thiết, phương án kết nối với nguồn tri thức: như trường học, cộng đồng, phương án phòng ngừa các mối hiểm nguy từ thiên nhiên khi mà bạn chưa hiểu về điều kiện sống xung quanh, và cả một phương án tạo ra nhu nhập.

Thông thường chúng ta thường quá màu hồng trong việc tiếp cận vận hành quá trình chuyển đổi này, chỉ nghĩ đơn giản là có một chỗ ở, một vườn rau ăn qua ngày là xong, thế nhưng nó phức tạp hơn rất nhiều.

Có nhiều bài toán đặt ra khi bạn trong quá trình này, khi ốm đau mà bạn ở quá xa bệnh viện hoặc đường xá núi sâu hiểm trở thì sao, bạn phải có kiến thứ về sức khỏe, phòng ngừa ? Con cái bạn cần đến trường để kết nối với cộng đồng bên ngoài, bạn tính như thế nào? 

Đó chính là lý do vì sao mà mình nói rằng chuyển từ phố về rừng bản chất nó phải là một quá trình thay đổi toàn diện về tiếp cận đời sống, với một triết lý sống rõ ràng đồng thời phải cần nhiều sự can đảm, kiên trì và hiểu biết thật sự.