Skip links

/HēRōS/: ZERO – ANH HÙNG 0 – Số thứ 27

Chúng ta đã phát minh ra nhựa – loại chất liệu phải mất hàng thế kỷ mới phân huỷ được, dùng chúng một lần và vứt đi, khiến chúng trở thành loại rác thải nguy hiểm và độc hại, bởi không chỉ vô cùng khó phân huỷ mà số lượng còn nhiều đến mức không tưởng.

Sử dụng sản phẩm thay thế nhựa một lần là một trong những giải pháp phổ biến gần đây để giảm lượng rác nhựa thải ra ngoài môi trường.

Nhưng sử dụng thế nào để giảm tác động, liệu có thể sử dụng loại chất liệu gì thay thế hoàn toàn đồ nhựa hay không?

Quay về với Chuyên mục Anhhung0 ngày hôm nay, hãy cùng chúng mình lắng nghe những chia sẻ của chị Hà Thư – Điều phối viên Chương trình và CSER của GreenHub với câu chuyện về các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, và hành trình tập sống xanh nhé!

1. Thay đổi lối sống, “chuyển dịch xanh” đồng nghĩa với đánh đổi, có thể sẽ gặp phải những khó khăn nhất định, hay những câu chuyện “dở khóc dở cười”, chị Thư có thể tâm sự cùng GreenHub một số điều chị đã trải qua kể từ khi bắt đầu hành trình sống xanh không?

Hồi đầu mới thử sống xanh, mình mua nhiều thứ lắm, nào là bình nước, hộp cơm nhiều kích cỡ, ống hút tre, thuỷ tinh, inox đủ loại, đụng tới cái gì cũng thấy là nhựa, thế là lại mua đồ thay thế……)

Trộm vía là từ ngày bắt đầu sống xanh, mình đã đọc được một câu nói rất hay, đó là: Muốn ngưng một chiếc bồn đầy nước, việc của bạn là phải tắt chiếc vòi nước đang được xả. Vì vậy, mình đã không lao đi mua sắm những đồ thay thế, mà thay vào đó là chuyển đổi dần dần những sản phẩm thực sự cần thiết. Ví dụ như bàn chải, sữa tắm – dầu gội, hay chai nhựa đều được mình dần chuyển sang những sản phẩm có thể refill hay có khả năng phân hủy được.

Có mỗi một sản phẩm mà mình đã mua và hơi hối hận là túi tote (túi vải). Lúc đầu mình đã nghĩ chắc chắn mình phải có một chiếc mới có thể đựng đồ thật nhiều lần và là nhu cầu của những người sống xanh. Nhưng sau đó thì mình được tặng thêm cũng khá nhiều, và thật sự trong quá trình sử dụng thì mình không cần dùng túi vải nhiều đến thế vì vẫn còn túi xách và balo cơ mà.

2. Theo chị Thư, các sản phẩm thay thế như giấy, gốm, thủy tinh,… có thật sự tốt hơn nhựa dùng một lần không?

Mình không lăn tăn về việc sử dụng các sản phẩm thay thế, vì mình nghĩ bất kì sản phẩm nào – được sản xuất bằng chất liệu nào, đang được mua bán và sử dụng rộng rãi thì đều đã tự chứng minh sự hữu dụng của nó. Tuy nhiên, điều mà mình hay nghĩ tới, đó là đến cuối cùng, điều gì quyết định một sản phẩm là đủ “thân thiện với môi trường” để thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần. Chẳng hạn, nếu dùng túi vải, chúng ta sẽ phải dùng bao nhiêu lần để sử dụng hết giá trị tài nguyên đã sản xuất ra chiếc túi vải ấy? Hay bình nước giữ nhiệt Lock n Lock mà mình đang dùng để hạn chế dùng chai nhựa một lần, thì công sản xuất – vận chuyển sẽ gấp bao nhiêu lần so với việc tương tự đối với một chai nước Lavie?

3. Sử dụng sản phẩm thay thế là giải pháp dễ thực hiện, nhưng liệu có phải là giải pháp hiệu quả nhất không?

 Mình nghĩ cái gì dễ thì thường được làm nhanh nhất, ví dụ như dùng sản phẩm này thay thế sản phẩm kia – nếu như sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người tiêu dùng. Nhưng mà mình cũng nhắc đến việc “tắt chiếc vòi đang được xả trong chiếc bồn nước đầy”, vì vậy với mình, giải pháp phải được xuất phát từ tư duy của mỗi người: cân nhắc lại việc tiêu dùng của bản thân, xem xét đến vật liệu – số lượng và mục đích sản phẩm mình đang sử dụng. Và một trong những hành động kế tiếp đó là từ chối những sản phẩm mà mình không thật sự cần đến.

Theo mình thì vấn đề không phải ở vật liệu, mà là do cách tiếp cận và cách sử dụng của mỗi người. Cuộc sống đề cao tiện lợi và chủ nghĩa tiêu dùng đã khiến chúng ta sản xuất và mua sắm nhiều hơn nhu cầu thực sự mình cần rất nhiều. Đôi khi mình cảm thấy, chúng ta mải miết mua sắm rồi lại chất cao những núi rác thải khiến hành tinh suy kiệt. Và thậm chí có kha khá những món đồ nhựa xung quanh chúng ta là thừa thãi.

Explore
Drag