Skip links

/HēRōS/: ZERO – ANH HÙNG 0 – Số thứ 32

Nhân vật trong số thứ 32 của Anh Hùng 0 là chị Diên Đinh, chia sẻ về hành trình biến vải vụn thành những điều dễ thương.

Năm 2017, khi mà lối sống xanh chưa thực sự phổ biến, chị Diên đã tạo ra kênh Youtube DinLife hướng dẫn làm những đồ handmade, tái chế từ vải vụn, tận dụng những đồ thừa mà không cần phải sử dụng những vật liệu khó phân huỷ. Cho đến nay, kênh vẫn tiếp tục phát triển qua những hình ảnh rất nhẹ nhàng, rất thơ, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ thử trải nghiệm làm những điều mới mẻ, vừa xinh vừa có thể bảo vệ môi trường.

🔥 Hãy cùng GreenHub khám phá hành trình và những suy nghĩ của chị Diên Đinh qua chuyên mục Anh hùng 0 ngày hôm nay nhé!

Từng bất ngờ nhận được sự quan tâm của cộng đồng nhờ một bài note tổng hợp những cách dễ đàng để sống xanh

Mình bắt đầu thay đổi lối sống từ khoảng đầu năm 2017, lúc đó thì sống xanh chưa thực sự được phổ biến như bây giờ. Với mình, sau chừng 9 tháng thì mới hình thành được những thói quen mới, những phương thức thay thế cho cách sống cũ, và cách xử lý cho những vấn đề rác thải của cá nhân mình. Vì vậy mà mình đã tổng hợp lại và chia những việc đó theo thứ tự 7 ngày để những ai muốn bắt đầu có thể hình dung được tổng quát những việc mình đã làm trong 9 tháng, và kèm theo đó là thông tin những cửa hàng xanh, những nơi thu gom rác thải mà mình tìm được ở cả 3 miền. Để những ai có ý định chuyển đổi lối sống thì sẽ bớt thời gian trong việc tìm hiểu hơn. 

Từ sở thích đến lan toả 

Mình đã làm đồ handmade từ khi còn nhỏ, với nhiều cách thức và vật liệu khác nhau. Hồi đầu thì đương nhiên mình cũng chưa biết rằng đây cũng là một cách để tái chế. Sau này lớn lên, hiểu về các cách thức bảo vệ môi trường, mình biết mình không phải cứ làm đồ handmade là đã góp phần bảo vệ môi trường. Quan trọng là mình làm món đồ đó với vật liệu gì, gắn chúng với nhau ra làm sao, liệu món đồ đó có bền hay có thể phân hủy, tái chế, tái sử dụng lâu dài được hay không,…

Chỉ có một điểm chung là làm đồ handmade thì thường sẽ mất nhiều thời gian hơn nên sẽ không thể làm với số lượng lớn, giúp hạn chế việc sản xuất ồ ạt.
Và nếu như người làm món đồ handmade ấy đặt sự chú tâm của họ vào điều họ đang làm thì mình nghĩ món đồ đó và quá trình làm món đồ đó mang sự ảnh hưởng có lẽ không chỉ là tới môi trường vật chất, mà theo mình, là về môi trường tinh thần.

Năm 2017 thì lối sống xanh thật ra chưa được phổ biến như bây giờ, nên thời gian đó mình thấy việc tìm mua những chiếc túi rút hay túi đi chợ thì cũng không hẳn là dễ dàng, và giá cả so với học sinh hay sinh viên thì cũng đắt nữa, nên mình đã làm những video đầu tiên trên DinLife là về việc khâu túi, để ai cũng có thể bắt đầu thay đổi lối sống chỉ với một mảnh vải, kim và chỉ. Cùng với đó là những video về làm sổ dùng lại hay đồ chơi từ vải vụn, để mọi người có thêm ý tưởng cho việc làm đồ handmade mà không cần dùng đến những vật liệu khó phân hủy như bìa mô hình hay keo nến – những thứ mà trước đây mình đã từng dùng nhiều.

Tất cả video đều là video không lời, nhưng thi thoảng mình cũng nhận được những bình luận viết ra đúng những gì mình muốn nói qua các video, hoặc thi thoảng là những câu chuyện về việc một người đã đưa những điều đó vào cuộc sống của họ như thế nào, nên mình nghĩ, điều mà kênh muốn truyền tải, dưới hình thức là những khung hình và âm nhạc đó, bất kể là có câu chuyện riêng, thì cũng sẽ nảy sinh trong mỗi người theo những cách khác nhau. Là phần mình muốn được để ngỏ cho người xem.

Youtube D I N L I F E: https://www.youtube.com/dinlife

Sống xanh trong công việc mình làm

Hiện tại thì mình đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục, để lan toả cách sống ít hại nhất đến môi trường, mình đang bắt đầu thử truyền tải nhận thức về môi trường cho các thầy cô, phụ huynh và học sinh, cũng như là những cách để có thể giảm lượng rác thải trong trường học, đi cùng với những việc như trồng cây, làm vườn hay ủ phân. Hy vọng là sau một thời gian nữa thì mình sẽ có thể chia sẻ lại những kinh nghiệm này.

Còn về lâu dài thì mình mong có thể có một mảng riêng dành cho thủ công theo các lứa tuổi, từ lớp 1 cho tới lớp 12, liên quan đến chương trình học và những nguyên liệu địa phương, hay các hình thức sáng tạo để tái chế sản phẩm cũ thành những vật dụng mới có ích.

Cuối cùng, mình xin cảm ơn GreenHub cho mình cơ hội được chia sẻ và vì những điều mà các bạn đang làm

Explore
Drag