Chú Nguyễn Đức Hải – Bí thư/Khu trưởng Khu phố 2, Phường Hà Trung cũng là một trong những cán bộ lãnh đạo cốt cán của các phường thuộc thành phố Hạ Long mà tham gia tích cực vào quá trình thay đổi lối sống và nhận thức của người dân. Bằng việc ứng dụng các mô hình tái chế, tái sử dụng rác nhựa hay phát động hoạt động vẽ tranh tường kêu gọi hưởng ứng người dân, khu phố 2 phường Hà Trung giờ đã giảm thiểu được đáng kể lượng rác nhựa bị thải ra môi trường. Cảnh quan môi trường xung quanh khu phố giờ như khoác thêm một chiếc áo mới với một vẻ đẹp tươi thắm hơn, trẻ trung hơn khi được tô điểm bởi những sắc xanh tràn ngập không gian. Trong đời sống thường ngày, chú Hải cũng luôn cố gắng trở thành một tấm gương gương mẫu, điển hình để mọi người cùng noi theo và hướng về một mục tiêu chung “Giảm rác nhựa Vì một Hạ Long Xanh”
Sau khi tham gia tập huấn giảm rác thải nhựa, khu phố 2 đã được thực hành một số mô hình tái chế, tái sử dụng nhựa như biến nhựa thành chậu hoa, thành gạch lát tường ecobrick,… Sau khoảng đó, chú Hải đã về trực tiếp đào tạo các bà con hội phụ nữ cách xử lí, thu gom rác thải sinh hoạt trong gia đình. Và giờ sau các đợt thu gom, khu phố 2 đã tận dụng được lên đến tổng cộng 6000 chai nhựa và tái chế chúng làm các chậu hoa treo ở các bờ tường hay làm gạch lát tường, lát bồn hoa xung quanh nhà văn hóa, các địa điểm tụ tập vui chơi. Thâm chí, họ còn sử dụng nhựa để tái chế làm ghế nhựa cho các em học sinh thuộc các trường cấp 1, cấp 2 tại phường sử dụng. Quả là một thành tích đáng tự hào!
Sau khi có sự phát động của thành phố và các bên thì toàn thể người dân khu phố, đặc biệt là các chị em hội phụ nữ đã phấn khởi và hăng hái tham gia hoạt động tái chế rác thải. Không chỉ thế, chú Hải còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân bằng việc vẽ tranh tường mang thông điệp môi trường, 1 ví dụ như “Đừng vứt rác đi, hãy biến rác thành tiền”. Điều này không những góp phần bảo vệ môi trường và hạn chế tối thiểu số lượng rác nhựa bị thải ra mà còn giúp lan tỏa và tuyên truyền những thông điệp tích cực hơn nữa ra tới cộng đồng, nâng cao ý thức người dân hạn chế xả thải, tiêu hủy bừa bãi. Thay vào đó, ta có thể tập thói quen phân loại rác thải sinh hoạt thành rác hữu cơ và rác vô cơ. Rác hữu cơ như vỏ hoa quả, cuống lá, cuống cây có thể sử dụng để trộn với đất làm phân bón rồi tiếp tục trồng thêm những loài cây, loài hoa đua nhau thi sắc. Còn rác vô cơ, rác nhựa ta sẽ tập trung đem đi thu gom hoặc thậm chí là tự mình tái chế chúng thành những vật dụng có ích.
Không chỉ riêng ai mà bản thân chú Hải sau khi tham gia vào dự án cũng đã có những thay đổi tích cực và lành mạnh hơn. Chú cố gắng trở thành một tấm gương tốt để mọi người noi theo bằng việc bỏ thói quen sử dụng nhựa một lần như túi nilon, ống hút nhựa, chai nhựa. Bên cạnh đó, chú cũng vận động gia đình, bạn bè và người thân xung quanh nên hạn chế dùng chúng trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. “Tôi cũng hay khuyên vợ tôi cùng các bà bạn rằng: Đi chợ thì nhớ đem theo cái làn, kẻo lại theo thói quen thấy được tặng là đem mấy cái túi bóng về. Mua về thì miễn phí mà trả lại thì đắt lắm.”