Skip links

Hiểu rác: Ta thu lại gì

Rác là gì mà ta phải kiểm toán?

Ta hiểu rác hóa ra là để hiểu mình 

Vấn nạn ô nhiễm môi trường ở Việt Nam những năm gần đây vô cùng cấp bách. Lượng chất thải gia tăng chóng mặt trong khi các giải pháp “cuối nguồn- giải pháp ngọn” đều không thể giải quyết triệt để vấn đề. 

Báo cáo “Đánh giá chất thải rắn và kiểm toán nhãn hiệu tại Việt Nam 2018-2020. Những điểm nổi bật và đề xuất giải pháp Không rác” của Liên minh Không rác Việt Nam đã mang lại hai điểm sáng chính, đó là: Kết quả của việc kiểm toán và Đề xuất cải thiện tình trạng rác nhựa tại Việt Nam.

Các kết quả thu được như sau:

Về mặt thành phần, phần lớn rác thải tại Việt Nam không cần phải xử lý chôn lấp. 75.7% lượng chất thải được kiểm toán có thể ủ phân hữu cơ, 12.2% có thể được tái chế và tới hơn 50% số rác còn lại là túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần. Đáng chú ý là, lượng rác thải bình quân đầu người của Cù Lao Chàm- 1 xã đảo nông thôn ít hơn 4 lần Hạ Long- một thành phố tương đối phát triển, nhưng không có luật cấm nào.

Khi kiểm toán về nhãn hiệu từ khoảng 55.000 mảnh rác nhựa, Coca Cola, Pepsico, và Nestle nằm trong top 3 có lượng rác thải nhiều nhất Việt Nam. Vinamilk và Acecook được tìm thấy là 2 doanh nghiệp hàng đầu góp phần vào lượng rác thải nhựa sinh hoạt. Tới 40% số rác kiểm toán không có hoặc không thể nhận diện được nhãn mác bao bì.

Báo cáo gợi ý 2 đề xuất cho hiện trạng quá tải rác thải của Việt Nam:

Thứ nhất, Giảm thải rác nhựa cần phải triển khai mạnh mẽ bởi Chính Phủ. Các lệnh cấm đối với một số danh mục sản phẩm nhựa cần được ban hành và thực thi nghiêm ngặt ở quy mô toàn quốc. Các biện pháp “đầu nguồn” nên được áp dụng lâu dài như: tăng thuế và áp hạn ngạch lên việc sản xuất nhựa,… để theo đuổi lộ trình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn cho nước ta.

Thứ hai, trách nhiệm của nhà sản xuất cũng cần phải được chú trọng. Thực chất của việc này cũng vẫn quy lại việc Chính phủ cần ra một bộ quy tắc mới về trách nhiệm của nhà sản xuất, buộc doanh nghiệp phải chi trả việc thu gom sản phẩm của họ và thay thế hoàn toàn các loại nhựa một lần. 

Phụ lục của báo cáo nói rõ hơn về rác hữu cơ và rác theo từng khu vực cụ thể, cùng với các câu chuyện ngắn thú vị trong quá trình kiểm toán rác thải tại 8 tỉnh thành ven biển. Các bạn hãy đọc bản full để tìm hiểu kỹ hơn nhé!

GreenHub xin cảm ơn những “bạn đọc xanh” đã đông đảo ủng hộ và đăng ký nhận bản báo cáo đầy đủ những ngày vừa qua. Các bạn đã đăng ký nhớ kiểm tra email để xem “Báo cáo đánh giá chất thải rắn và kiểm toán nhãn hiệu tại Việt Nam 2018-2020. Những điểm nổi bật và đề xuất giải pháp Không rác” đã được gửi tới nha! 

——-

Liên minh Không rác Việt Nam là một mạng lưới bao gồm các tổ chức, cá nhân cùng quan tâm đến mục tiêu áp dụng lối sống không rác để thực hiện tốt hơn việc quản lý chất thải rắn, giảm nhựa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường Việt Nam. Các thành viên của Liên minh là các tổ chức phi lợi nhuận, các thành viên chính phủ, các trường đại học và các doanh nghiệp.

——–

Bài viết nằm trong chuyên mục Đọc Sâu Hiểu Lâu: Hiểu Rác. Đọc hiểu và cùng lan tỏa những giá trị tốt đẹp cùng GreenHub.

Explore
Drag