Skip links

KẾT QUẢ NĂM 2 DỰ ÁN PAN – PHẦN 2 – CÂU CHUYỆN GOM RÁC VỀ NHÀ!

Trong năm 2 của dự án PAN, kết quả của mô hình thu gom rác thải đã có nhiều bước tiến vượt bậc so với năm một.

Tiền đề quan trọng nhất cho sự phát triển này là sự gia tăng của số lượng phường tham gia mô hình. So với 5 phường ban đầu, đến nay, 20/20 phường (126/167 chi hội) ở Thành phố Hạ Long đã đồng hành thực hiện hoạt động thu gom rác thải nhựa. Kéo theo đó là sự gia tăng của số người tham gia dự án – lên tới 24,444 người. Đặc biệt, trong năm nay đã có 5.686 gia đình thực hiện thu gom, phân loại rác thải. Điều này đồng nghĩa với việc thực hành lối sống thân thiện môi trường đã diễn ra với quy mô sâu hơn với nhiều độ tuổi và giới tính khác nhau. Trong đợt cách ly xã hội chống dịch CoVid, cũng đã có 246 hộ gia đình tham gia chiến dịch đổi nhựa lấy khẩu trang – thu gom được 16.5kg rác, 1000 chiếc khẩu trang được tặng đi.

Nhờ sự phát triển của số người tham gia chương trình, số lượng rác nhựa thu gom được đã lên tới 2.465.733 chai nhựa được thu gom tương ứng với 36.986 kg rác nhựa. Thông qua đó, số tiền gây quỹ được thông qua việc bán rác thải nhựa trong năm nay đã đạt mức kỷ lục với 120 triệu đồng – gấp 8 lần số tiền thu được trong năm đầu tiên. Ngoài ra, các chị em Hội Phụ nữ cũng linh hoạt trong cách tái sinh rác nhựa. Không chỉ đơn thuần mang chai đi bán phế liệu, rác đã được biến thành chậu trồng cây, giỏ hoa, đồ chơi trẻ em, gạch sinh thái xây bồn hoa và ghế ngồi.

Thành quả này đạt được là nhờ những cố gắng bền bỉ và phi thường của các chị em Hội Phụ nữ. Thành phố Hạ Long có địa hình đa dạng và phức tạp. Vùng đồi núi bao chiếm 70% diện tích đất của thành phố. Đặc điểm này khiến cho các phường tại Hạ Long có những nơi treo leo đỉnh dốc, công tác thu gom rác thải cũng vô cùng vất vả. Tại phường Hồng Gai, địa điểm tập kết rác nhựa nằm trên dốc. Vì vậy, công cuộc vận chuyển thật sự là một cuộc chiến khi những phương tiện vận chuyển còn rất thô sơ (xe đạp, xích lô) đi kèm nhiều hỏng hóc – bao gồm cả bộ phanh xe. Hay như tại phường Yết Kiêu, địa điểm tập kết rác chính là nhà của một thành viên hội. Nhiều người xunh quanh đã coi đây là một bãi rác lộ thiên, tranh thủ vứt rác vào trong sân khi chủ nhà đi vắng.

Thế nhưng những người phụ nữ nơi đây vẫn chăm chỉ và kiên trì để thực hiện, truyền thông, vận động mọi người xung quanh thực hiện phân loại rác, bán được những gì có thể bán để tái chế, ủ rác hữu cơ, hạn chế tối đã rác thải ra ngoài bãi chôn lấp. Những điều nhỏ bé đó đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường sống tại Hạ Long.

Hi vọng, trong năm tiếp theo của dự án, các chị vẫn tiếp tục phát huy tinh thần này, đồng hành cùng GreenHub và dự án PAN hành động vì một Việt Nam xanh.

Explore
Drag