Bước vào năm hai, GreenHub xác định một trong những yếu tố quyết định để duy trì sự ổn định và lâu dài của dự án là tạo nguồn thu cho người tham gia thông qua việc tăng thêm giá trị cho rác thải nhựa. Bên cạnh việc mang rác cho các lò phế liệu, GreenHub đã hỗ trợ cũng như phát triển thêm các mô hình khởi nghiệp, kinh doanh từ rác thải nhựa. Hai mô hình đã được triển khai bao gồm mô hình sản phẩm tái chế từ pano và sản phẩm đan lát từ dây buộc gạch đều đã có những bước tiến dài so với điểm khởi đầu. Hơn 3,1 tấn rác nhựa đã được tái sử dụng, 52 lao động có việc làm thường xuyên và nhiều câu chuyện đang chờ được kể.
Từ khi bắt đầu dự án, GreenHub đã có ý tưởng tái sử dụng pano thành các sản phẩm hữu ích như loại túi xách, hộp bút,…. Tuy nhiên, đến tháng 12/2019, ý tưởng này mới được thành sự thật sau khi gặp được chị Hương – thành viên Hội Phụ nữ Thành phố Hạ Long. Với mong muốn chuyển đổi nghề nghiệp cùng tinh thần kinh doanh sôi sục sẵn có, sau khi được giới thiệu về mô hình tái sử dụng pano cũ, chị Hương và GreenHub nhanh chóng bắt tay ngay vào thực hiện ý tưởng.
Khi bắt tay vào thực hiện, chị Hương đã nhận được rất nhiều hỗ trợ từ các bên. Hội Liên Hiệp Phụ nữ thành phố Hạ Long cũng hỗ trợ rất nhiệt tình trong việc kết nối chị với các đơn vị có pano và vải thừa – giải quyết vấn đề đầu vào. Tuy nhiên, con đường biến rác thành tiền cũng rất gian lao, cần đầu tư nhiều thời gian và công sức. Trung bình, sau thu gom, nguyên liệu cần khoảng 3 – 5 ngày để xử lý trước khi tiến hành hoàn thiện. Trong thời điểm khởi đầu, chị Hương và các đồng sự còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển sản phẩm cũng như tìm kiếm đầu ra. Bất chấp những khó khăn đó, chỉ trong nửa năm phát triển mô hình, chị Hương đã có nhiều thành tựu đáng kể như bán được hơn 2000 sản phẩm, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương.
Mô hình sản phẩm đan lát từ dây buộc gạch cũ lại có câu chuyện hoàn toàn khác. Đây là kết quả của quá trình làm việc tập thể, từ lãnh đạo Hội Phụ nữ đến các hội viên. Xác định quá trình giảm thiểu rác thải nhựa phải đi liền với đời sống, Chi hội Phụ nữ phường Hà Trung đã cùng nhau suy nghĩ và phát triển mô hình sản phẩm này. Với đặc điểm các sản phẩm hoàn toàn phải làm bằng tay, không có sự hỗ trợ của máy móc, các sản phẩm đan lát từ dây buộc gạch cần một lượng lao động khá lớn cũng như mô hình tổ chức hiệu quả để đạt được kết quả cao. Thấu hiểu điều này, Lãnh đạo và Hội viên tại đây đã cùng nhau thử nghiệm và đưa ra mô hình sản xuất theo từng công đoạn, khác nhau (sơ chế, lắp ráp sản phẩm) giúp nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm. Đến nay, mô hình đã có sự tham gia của gần 50 phụ nữ. Đặc biệt, mô hình này còn dành sự ưu tiên cho các đối tượng yếu thế trong xã hội. Doanh thu từ sản phẩm được sử dụng để duy trì hoạt động của Hội cũng như giúp đỡ những hội viên khó khăn. Mô hình cũng đang được nhân rộng để tạo nguồn thu cho nhóm người yếu thế như các bệnh nhân sức lao động giảm sút.
Trong năm thứ 3 của dự án, dự án PAN sẽ tiếp tục hỗ trợ các mô hình kinh doanh sẵn có cũng như phát triển thêm các mô hình mới để gia tăng số lượng và chất lượng các sinh kế từ rác thải nhựa.
——————-
Dự án “Xây Dựng Mạng Lưới Hành Động Về Tiết Giảm – Tái Sử Dụng – Tái Chế Rác Thải Nhựa (3R) Tại Việt Nam” – Plastic Action Network (PAN) do Quỹ Coca Cola toàn cầu tài trợ, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) thực hiện.