NÔNG HỘ DÂN TỘC THIỂU SỐ PHÁT TRIỂN SINH KẾ BỀN VỮNG VỚI NÔNG SẢN GIA VỊ

Những năm gần đây, đời sống của người dân huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, đặc biệt là các nông hộ dân tộc thiểu số đã ngày càng khấm khá lên, không còn phải lo miếng ăn từng bữa, trẻ con vẫn được tới lớp đều đặn,… nhờ khai thác tiềm năng kinh tế của vườn và rừng. Qua chuyến khảo sát vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường (DACE) trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ doanh nghiệp phát triển Hệ thống đảm bảo chất lượng nông sản có sự tham gia (PGS – Participatory Guarantee System), chúng tôi đã nhận thấy những thay đổi rõ rệt nơi “vùng đất khát” này.

Phát triển sinh kế bền vững nhờ cây gừng

Trước đây, các nông hộ tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng đối mặt với không ít khó khăn khi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nương lúa, nương ngô quanh năm thiếu nước, cho năng suất thấp, đời sống kinh tế bấp bênh,… Thế nhưng, những năm trở lại đây, cuộc sống của họ đã có nhiều biến chuyển tích cực khi trên vùng đất sỏi đá này, những nương ngô đã dần được thay thế bằng nương gừng hữu cơ xanh tốt.

Với mô hình liên kết sản xuất – đồng hành hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm của nông hộ, doanh nghiệp DACE hiện đang được chính quyền địa phương và người dân Hà Quảng ngày càng tin tưởng. Không chỉ hỗ trợ gừng giống, DACE còn tập huấn cho nông dân phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ, từ làm đất, bổ luống, che phủ cây giống, ủ phân cung cấp dinh dưỡng cho cây đến cách xử lý cây bị sâu bệnh.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Trương Văn Lịch – trưởng thôn Ngườm Nà, xã Nôi Thôn, Hà Quảng, Cao Bằng cho biết:

“Gừng giống công ty cung cấp có chất lượng tốt, 1 tấn giống có thể thu hoạch được 5-6 tấn sau 1 năm, cả thôn chúng tôi có trên 20ha trồng gừng. Năm 2019, công ty thu mua gừng với giá 13.000 đồng/kg, đời sống các hộ nhờ đó được cải thiện. Thu nhập từ trồng gừng cũng cao hơn trồng ngô và các cây trồng khác gấp 6 lần nếu như trồng giống công ty cung cấp và theo đúng hướng dẫn của công ty. Vì thế bà con cũng đồng thuận cao, không ai phản đối phương thức canh tác do công ty và xã đề ra.”

Anh Trương Văn Lịch chia sẻ với đoàn cán bộ, chuyên gia của GreenHub

“Mang gia vị Việt Nam chinh phục bàn ăn thế giới”

Không chỉ tạo sinh kế bền vững cho nông hộ dân tộc thiểu số nghèo tham gia trong chuỗi giá trị cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp, với sứ mệnh “mang gia vị Việt Nam chinh phục bàn ăn thế giới”, những nương gừng hữu cơ xanh tốt Hà Quảng đã được DACE bao tiêu đầu ra và xuất khẩu ra các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và Mỹ. Hơn nữa, thị trường cũng có thêm một nguồn nông sản gia vị hữu cơ “made in Vietnam” trong bối cảnh khủng hoảng thực phẩm hiện nay.

Thế nhưng, mặc dù gừng Hà Quảng đã được cấp chứng nhận hữu cơ, nhưng quy trình quản lý đảm bảo chất lượng thực phẩm của doanh nghiệp còn khá nhiều khó khăn. Bà con nhiều người không biết chữ nên việc ghi chép quy trình sản xuất mất nhiều thời gian khi phụ thuộc vào các trưởng nhóm sản xuất. Ngoài ra, gừng sau thu hoạch sẽ được các hộ đựng vào các bao giống và dán tem nhãn truy suất nhưng việc dán nhãn này chưa được thực hiện một cách tối ưu. Do vậy, việc truy xuất nguồn gốc tới từng hộ, nhóm hộ và tìm hiểu quá trình canh tác vẫn gặp nhiều khó khăn, trong khi khách hàng ngày càng đòi hỏi nhiều về sự mình bạch thông tin sản phẩm.

Việc truy xuất nguồn gốc tới từng hộ, nhóm hộ và tìm hiểu quá trình canh tác vẫn gặp nhiều khó khăn, trong khi khách hàng ngày càng đòi hỏi nhiều về sự mình bạch thông tin sản phẩm.

Đi tìm quy trình đảm bảo chất lượng phù hợp

DACE là một trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang được nhận những hỗ trợ về vốn và quản lý doanh nghiệp từ dự án EFD (Enterprising For Development) từ năm 2018. Qua quá trình đồng hành, bản thân DACE đã nhận thấy những bứt phá về nội lực với những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Năm 2020, với mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu, liên kết và tạo sinh kế bền vững cho khoảng 2,704 nông hộ dân tộc thiểu số, doanh nghiệp DACE nhận thấy cần có một quy trình đảm bảo chất lượng phù hợp, tiết kiệm chi phí cũng như tiết kiệm thời gian người giám sát và vẫn đảm bảo các yêu cầu khắc nghiệt của thị trường. Vì thế, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ tham gia vào hợp phần “Giám sát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho chuỗi giá trị nông sản” do GreenHub đảm nhiệm. Với những lợi thế về việc chia nhóm sản xuất, các trưởng nhóm có khả năng sử dụng và ứng dụng các nền tảng thông tin, DACE là một trong số những doanh nghiệp tiềm năng mà chúng tôi khảo sát để áp dụng ”Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia PGS”. Cùng theo dõi hành trình năm 2020 của dự án EFD để xem DACE có phải là một trong số doanh nghiệp phù hợp nhất của năm nay không các bạn nhé.