Tầm quan trọng của Hệ thống PGS đối với doanh nghiệp

“An toàn thực phẩm” – từ khóa ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng chứng tỏ nhu cầu thị trường về sử dụng sản phẩm chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn dinh dưỡng – đã trở thành một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay. Nhiều phương pháp và hệ thống kiểm định, đảm bảo chất lượng nông sản được xây dựng, trong đó có hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia PGS. Hệ thống này đang dần khẳng định được tầm quan trọng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp.

Tạo dựng niềm tin – xây dựng thương hiệu trên thị trường đòi hỏi rất nhiều năng lực và nỗ lực của các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với bối cảnh khủng hoảng thực phẩm, vấn nạn thực phẩm bẩn hay các vụ liên quan đến ngộ độc thực phẩm tăng lên, nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam về các loại thực phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh gia tăng nhanh chóng. Đứng trước những yêu cầu đầy khắt khe đó, các doanh nghiệp nông nghiệp cần đồng thời cải tiến, hoàn thiện sản phẩm và củng cố hệ thống quản lý nội bộ nhằm đảm bảo chất lượng nông sản.

Để giải quyết bài toán trên, nhiều phương pháp kiểm định, đảm bảo chất lượng nông sản được xây dựng, trong đó có hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia PGS (Participatory Guarantee System). Những ích lợi nhất định dưới đây chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giám sát quy trình sản xuất một cách minh bạch và hiệu quả.

PGS là hệ thống quản lý chi phí thấp

Chi phí vẫn luôn là vấn đề “đau đầu” đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu hiện nay, vấn đề này càng trở nên nhức nhối hơn nữa. Bởi lẽ đó, PGS là lựa chọn tối ưu với chi phí thấp giúp các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng hệ thống quản lý chất lượng nội bộ hiệu quả, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Quản lý chất lượng tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất

Thu hút sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng nông sản, vậy nên, dù với chi phí thấp, hệ thống PGS vẫn có thể giúp doanh nghiệp quản lý chất lượng tại tất cả các khâu như vật tư đầu vào, quy trình sản xuất, vận chuyển, chế biến, bao bì, nhãn mác.

Hỗ trợ tạo niềm tin với khách hàng

Người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin vào độ an toàn và chất lượng nông sản trên thị trường hiện nay. Những câu truyền miệng kiểu như “nhắm mắt cho qua” khiến việc tạo dựng niềm tin đối với khách hàng là yêu cầu tối quan trọng. Thông qua hệ thống quản lý chặt chẽ, đặc biệt truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo thời gian thực, hệ thống PGS sẽ hỗ trợ doanh nghiệp mang giá trị sản phẩm đến gần với người tiêu dùng hơn nữa.

PGS cung cấp thêm hồ sơ xin chứng nhận bên thứ 3 dễ dàng hơn

Thiết lập hệ thống PGS giúp doanh nghiệp xây dựng bộ hồ sơ hoàn chỉnh, điều này hỗ trợ tiết kiệm thời gian và dễ dàng hơn khi doanh nghiệp cần xin chứng nhận của bên thứ 3.

Doanh nghiệp có thể tự cấp chứng nhận chất lượng

Tham gia PGS, doanh nghiệp có thể tự cấp chứng nhận chất lượng để đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tại thị trường nội địa. Điều này hỗ trợ phòng trừ trường hợp hàng tại doanh nghiệp không xuất khẩu hết ra thị trường nước ngoài thì có thể xuất vào hệ thống siêu thị trong nước.

Tiếp tục theo dõi dự án EFD để hiểu rõ hơn về hệ thống PGS cũng như các cách thức áp dụng nhé.

Nguồn tham khảo:

  1. Tài liệu kỹ thuật về PGS hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng do Rikolto/VECO tại Việt Nam và Ban điều phối PGS Việt Nam biên soạn.
  2. PGS – brochure Vietnam của IFOAM