Skip links

Bạn là nhân tố thiết yếu trong quy trình đảm bảo chất lượng thực phẩm

Trong tư tưởng thời hiện đại, chúng ta thần tượng một combo bất khả thi, nhưng lúc nào cũng hiện diện trong tâm trí người tiêu dùng: sử dụng thực phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng mà giá thành thì lại rẻ. Chúng ta có thể mua được thực phẩm được quảng cáo là sạch và rẻ, nhưng điều gì đảm bảo cho điều này khi chúng ta bị không biết gì về quy trình sản xuất? Hoặc chúng ta cũng có thể mua được sản phẩm có chứng nhận chất lượng, minh bạch nhưng bù lại phải chấp nhận chi trả chi phí cao hơn. 

Những trăn trở này không chỉ đến từ người tiêu dùng, khi họ luôn mong mỏi mang đến những bữa ăn “cơm lành canh ngọt” cho cả gia đình mà còn tạo nên những áp lực nhất định tới các doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Làm thế nào để với chi phí tối thiểu có thể quản lý được quy trình sản xuất sản phẩm một cách minh bạch và người tiêu dùng có thể an tâm về chất lượng? Hệ thống đảm bảo chất lượng có sự tham gia (PGS – Participatory Guarantee System) ra đời như một lời giải cho bài toán trên. Bạn sẽ là một phần, một nhân tố thiết yếu trong việc giám sát quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng của hệ thống này.

Vậy PGS là gì?

IFOAM (Liên đoàn các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế) định nghĩa PGS là hệ thống đảm bảo chất lượng tập trung tại địa phương, chứng nhận các nhà sản xuất dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan và được xây dựng trên nền tảng niềm tin, kết nối xã hội và trao đổi kiến thức.

Đặc điểm của Hệ thống quản lý chất lượng có sự tham gia (PGS):

  • PGS không phải là một tiêu chuẩn chất lượng mà là hệ thống kiểm soát chất lượng có sự tham gia trực tiếp của các bên liên quan, đặc biệt là người sản xuất và người tiêu dùng
  • PGS không phải là chứng nhận bên thứ ba mà là chứng nhận nội bộ của doanh nghiệp khi thực hiện, sẽ hỗ trợ thay thế cho chứng nhận bên thứ 3.
  • PGS phù hợp với thị trường nội địa, nơi tất cả các bên liên quan có thể tham gia vào quá trình kiểm soát chất lượng.
  • PGS xác nhận cho nhóm nông hộ, không phải cho cá nhân hộ sản xuất.
  • PGS đáng tin cậy với người tiêu dùng khi họ được trực tiếp tham gia và làm chủ quá trình kiểm soát đảm bảo chất lượng thông qua truy xuất nguồn gốc từ tem nhãn.

Nguyên tắc cơ bản của PGS

Sự tham gia (Participation): Sức mạnh của hệ thống PGS phụ thuộc vào sự tham gia của các bên liên quan, càng nhiều người tham gia, sức ảnh hưởng sẽ càng lớn. Các bên liên quan chính bao gồm: người sản xuất, người tiêu dùng, thương nhân, nhà bán lẻ, các cơ quan quản lý tại địa phương, tổ chức NGO. Họ sẽ tham gia vào tất cả các khâu trong quá trình vận hành hệ thống.

Chung định hướng phát triển (A shared vision): Định hướng chung của các bên liên quan cho hệ thống bao gồm tất cả các nội dung về chỉ tiêu sản xuất và phương thức hoạt động của hệ thống PGS. Định hướng đáp ứng các yêu cầu cụ thể và mục đích sản xuất: là sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn và tuân thủ các yêu tố về pháp luật, xã hội, địa phương.

Tính minh bạch (Transparency): Tính minh bạch thể hiện bằng cách: ghi chép, lưu trữ thông tin, chia sẻ thông tin và tăng cường sự bình đẳng trong hệ thống PGS.

Niềm tin (Trust): Được hình thành khi các bên liên quan cùng xây dựng định hướng phát triển và đưa ra các quy định vận hành cho hệ thống PGS.

Học hỏi và hợp tác (Learning): Học hỏi và hợp tác được hình thành thông qua sự chia sẻ mục đích, kinh nghiệm của các bên liên quan để cùng hợp tác xây dựng định hướng chung.

Vì sao PGS là một phương pháp đảm bảo chất lượng đáng tin cậy?

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi rằng liệu với một hệ thống đảm bảo chất lượng dựa chủ yếu vào việc đánh giá chéo thì có đáng tin cậy hay không?

Trả lời câu hỏi này, điều quan trọng chúng ta phải thừa nhận là không có hệ thống chứng nhận hoặc hệ thống đảm bảo chất lượng nào là hoàn hảo: trước tiên vì những lý do thực tế, việc phân tích tất cả các thực phẩm được sản xuất trong mọi hoàn cảnh là điều không thể; hơn nữa, ngay cả việc vi phân tích hàm lượng hoá học tồn dư cũng không thể đảm bảo 100% trong mẫu thử không có bất cứ lượng tồn dư nào, bởi lẽ luôn luôn có sai số.

Dựa trên sự hỗ trợ qua lại và hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên, hệ thống PGS giải quyết “bài toán niềm tin”  bằng cách xem xét 2 nguyên nhân chính đằng sau hầu hết các hành động không tuân thủ quy định trong sản xuất thực phẩm:

  • Sự thiếu hiểu biết về các quy định trong quy trình sản xuất
  • Thiếu kiến thức kỹ thuật để giải quyết những vấn đề cụ thể trong sản xuất bằng phương pháp đảm bảo chất lượng và an toàn cho sức khỏe. 

Vậy nên, để các nông hộ có thể tuân thủ đúng và đủ quy trình sản xuất, cần phải:

  • Tạo cho họ hứng thú trong việc canh tác sản phẩm theo hướng an toàn, hữu cơ, thuận  tự nhiên,…
  • Mở các khóa tập huấn và đào tạo để họ thực sự hiểu về các quy định, tiêu chuẩn trong sản xuất
  • Lập một bản cam kết về đảm bảo chất lượng nông sản
  • Kiểm tra chéo với 2 hình thức không chính thức và chính thức. Không chính thức bằng cách hàng ngày các nông hộ quan sát nhau khi thực hiện các hoạt động ở trang trại. Chính thức qua quá trình thanh tra được ghi lại bằng văn bản.
  • Khuyến khích chủ động chia sẻ và trợ giúp nhau giải quyết vấn đề gặp phải trong quá trình sản xuất.

Không chỉ từng thành viên trong nhóm sản xuất có hiểu biết nhất định về sản xuất thực phẩm và có sự thanh kiểm tra chéo giữa các bên liên quan, mà người tiêu dùng cũng được nắm rõ, tham gia và đánh giá quy trình sản xuất, vậy nên chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào hệ thống PGS. 

Tạm kết

Thử tưởng tượng nếu có vấn đề về an toàn thực phẩm xảy ra thì bạn có thể khiếu nại và người sản xuất cũng có thể truy xuất ngược lại sai sót nào trong quá trình của chuỗi sản phẩm từ khi làm đất, gieo hạt đến tận bàn ăn của bạn. Điều đó chẳng phải rất tuyệt sao? Nhưng có một câu hỏi cho bạn. Khi mua sản phẩm bạn có thực sự quan tâm đến nguồn gốc của nó hay bạn chỉ quan tâm đến giá của nó thôi? Một khi tất cả người tiêu dùng đều thực sự quan tâm đến truy xuất nguồn gốc thì người sản xuất sẽ phải nâng cao chất lượng sản phẩm của họ là điều tất yếu. Bạn và xã hội sẽ được an toàn, nâng cao đời sống và phát triển bền vững.

Tiếp tục theo dõi dự án EFD để hiểu rõ hơn về hệ thống PGS cũng như các cách thức áp dụng nhé.

Nguồn tham khảo:

  1. Tài liệu kỹ thuật về PGS hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng do Rikolto/VECO tại Việt Nam và Ban điều phối PGS Việt Nam biên soạn.
  2. PGS – brochure Vietnam của IFOAM
  3. PGS – Cẩm nang hoạt động cho người sản xuất, ADDA và Hội Nông dân Việt Nam, 2009
Explore
Drag