Chiều ngày 28 tháng 6 năm 2016, GreenHub có buổi làm việc tại xưởng nghiên cứu dòng bếp cải tiến của Trung tâm Dân số, Môi trường và Phát triển. Với nhiều năm nghiên cứu để sáng chế dòng bếp ĐK (mà nhiều người sử dụng thường gọi là bếp “đỡ khói-đỡ khổ”), bếp ĐK-T4 được chế tạo sử dụng nhiên liệu là trấu hay viên gỗ nén có thể đun liên tục lên đến 6 tiếng. Một bước đột phá khi ĐK-T5 ra đời có thể sử dụng tất cả các phế phẩm nông nghiệp từ vỏ lạc, lõi ngô, bã mía,… làm chất đốt, không cần quạt gió và sản phẩm sau đốt là than sinh học (biochar).
Than sinh học là một nghiên cứu có tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Loại than này làm tăng năng suất cây trồng đáng kể nhờ khả năng ngăn chặn mất nước và thất thoát phân bón trong đất, giảm ô nhiễm môi trường xung quanh và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá gas giảm mạnh, than tổ ong giá rẻ, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế; truyền thông cũng như kênh phân phối sản phẩm còn nhiều khó khăn; dòng bếp ĐK cũng như các dòng bếp sạch khác chưa thể cạnh tranh trên thị trường bếp đun.
Trong bối cảnh trên, GreenHub nhận thấy việc sử dụng bếp cải tiến thay thế cho loại bếp truyền thống/sử dụng nhiên liệu hóa thạch, góp phần đẩy mạnh chuỗi sản xuất và cung ứng nhiên liệu sạch bền vững và giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại Việt Nam. GreenHub kết nối doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu sạch hơn với nhà nghiên cứu sản xuất bếp cải tiến, thúc đẩy truyền thông nhằm tăng cường nhận thức người sử dụng và phát triển các kênh phân phối bếp cải tiến.