Skip links

GreenHub/Dự án CAGC: Vòng đời của 55.000 bếp than tổ ong trước khi khai tử

Hà Nội còn khoảng hơn 50.000 bếp than tổ ong muốn ‘khai tử’ đến năm 2020, nhưng đó cũng là một lượng rác thải khổng lồ.

Dãy phố Đại Cồ Việt trước đây sầm uất bán bếp than tổ ong. Hiện tại, nó đã “thay áo” bằng cửa hàng mỹ phẩm, sửa chữa điện thoại…, các loại hình kinh doanh khác.

Ông Sơn, chủ hộ buôn bếp than duy nhất còn sót lại phàn nàn cả ngày không bán được chiếc nào. Ông đứng cạnh cơ ngơi khoảng 30 bếp với giá trung bình còn 145.000 đồng, cộng giá trị lại bằng khoảng ba cái bếp gas.

Từ ngày vô tuyến phát tin bếp than tổ ong sẽ bị xóa sổ, bỗng ít người mua hàng của ông hơn hẳn.

“Bán chậm lắm”, ông Sơn chia sẻ, “Trước đây, 5 ngày tôi nhập 10 chiếc, giờ nhiều ngày qua đi bán được 5 mới dám lấy thêm 2”.

Gia đình ông Sơn là một trong những hộ kinh doanh bếp sẽ phải chuyển đổi ngành nghề theo chủ trương đến năm 2020 loại bỏ đun bếp than tổ ong của thành phố Hà Nội.

Những chồng bếp than cuối cùng được bày bán ở Đại Cồ Việt, Hà Nội.

55.000 là con số bếp than tổ ong còn lại cần chuyển đổi trên địa bàn thủ đô, theo thống kê năm 2018. Phần lớn, chúng thuộc về các cơ sở kinh doanh ăn uống, bán nước vỉa hè và hộ nghèo.

Than tổ ong khi đốt thải khói, các loại khí độc mà điển hình là CO (loại khí cực độc không màu, không mùi, khó nhận biết), bụi mịn gây hại sức khoẻ con người và ô nhiễm không khí. Đi vào hàng quán dùng bếp than tổ ong, bạn vẫn thường tiếp xúc khí CO. Đun bếp than trong phòng kín có thể gây ngạt và chết người.

Chị Phạm Phương Mai, đại diện Live & Learn – một trong những đơn vị triển khai thí điểm chuyển đổi bếp than tổ ong ở Hà Nội, cho biết: “Nếu đổi từ bếp than sang bếp gas, bếp cải tiến, điện, từ… sẽ giảm được lượng lớn khí CO, CO2, SO2, NO2… dẫn đến các bệnh về hô hấp có tỷ lệ tử vong cao và làm Trái Đất nóng lên”.

Sản phẩm từ gây ô nhiễm đến có lợi cho môi trường.

Đun bếp một lần bằng hút 40 điếu thuốc

Hoàn Kiếm là một trong những quận nội thành thuộc trọng điểm xóa bếp than.

Trên rải đơn tuyên truyền của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được dán quanh địa bàn quận ghi “Đun bếp than tổ ong một lần bằng hút 40 điếu thuốc”.

Bác Sự là người viết bảng tin trong một tổ dân phố quân đội trên phố Lý Nam Đế. Cư dân lớn tuổi tháo xuống tờ đơn mang thông điệp cuối cùng cần thiết về than tổ ong ở đây. Tổ của bác còn duy nhất một hộ đun bếp than vì bán cơm bình dân.

Một năm trước, con số là vài chục. Bác Sự nói: “Năm qua vận động, hầu như chẳng còn ai dùng. Họ chuyển hết sang bếp gas, điện, từ rồi”.

Từng mở hàng ăn, bác Sự kể một ngày có khi thay đến cả chục viên than, mỗi viên chỉ 3.000-4.000 đồng. Cùng với những cư dân khác, họ dần không thể dễ chịu với làn khói hun từ nhiên liệu siêu rẻ, thoát ra từ bếp nhà mình hay hàng xóm. Bác Sự cho biết khói bếp khiến bác tức ngực.

Những bếp than tổ ong cuối cùng của khu phố nói trên nằm trong số 2.800 bếp đã được bỏ ở Hà Nội, theo thông tin điều phối viên Mai của Live & Learn cung cấp. Con số hiện ở giai đoạn thí điểm chờ nhân rộng và tự triển khai tại các quận, phường.

Nhưng nếu hoàn thành, 55.000 bếp than tổ ong sẽ đổ về đâu?

Chiếc áo mới chờ “hồi sinh” cho mặt hàng sẽ bị xóa sổ. Ảnh: GreenHub.

Ý tưởng ’15 phút’

GreenHub là tổ chức môi trường trẻ có nhân sự chỉ trên dưới 10 người, gồm cả những thực tập sinh ngoại quốc. Nhưng trong hai tháng 10,11 qua, nhóm giúp thành phố chuyển đổi 200 bếp than tổ ong.

Từ đầu năm, tổ chức phi chính phủ này kết nối với các đơn vị kinh doanh bếp. Họ nhận được cái gật đầu bán giá gốc 380.000 đồng mỗi bếp ga đôi và 250.000 mỗi bếp đơn cho những hộ bỏ bếp than.

Với mức giá trên kèm kinh phí hỗ trợ chuyển đổi 300.000 đồng trên mỗi bếp, các gia đình gần như sở hữu bếp mới miễn phí từ hai ngày hội đổi bếp GreenHub đã tổ chức được ở Hoàn Kiếm trong tháng 10. Bên cạnh đó, nhóm đem ra dạng bếp viên nén tạo ít khói và bụi mịn có giá tương đương.

Những bếp than tổ ong GreenHub thu lại không vứt đi.

Chị Thanh Vân – một trong những người đứng sau ý tưởng “hồi sinh” bếp than tổ ong có thể nhân rộng.

Trên tay là 60 bếp than đã được làm sạch, Ngân Hà (cán bộ chương trình) và nhóm của mình muốn làm một “vườn hoa bếp than tổ ong” trong sân trường THPT Việt Đức chiều 14/11. Trước đó, một khu vườn tương tự đã mọc lên ở phường Chương Dương, Hoàn Kiếm.

Lần này không phải là các tình nguyện viên cao tuổi, 100 em học sinh Việt Đức trợ giúp Hà và các bạn biến chỗ bếp than – đã có thể là rác thải – thành những chậu hoa đa sắc. Dự án Hà chạy có tên “Hồi sinh bếp than tổ ong” là với ý nghĩa đó.

Xuân Anh ngồi cạnh Hà, cô là một sinh viên y dược tâm huyết với môi trường và tình nguyện cho chương trình. Cô gái tóc ngắn ước tính mất khoảng 15 phút để thay áo mới cho mỗi chiếc bếp.

Vừa cặm cụi tô vẽ, họ vừa trình bày các bước đơn giản “biến hình” bếp than tổ ong gồm: làm sạch bếp, trang trí bằng sơn hay màu vẽ, hong khô và đổ đất trồng cây.

Các tình nguyện viên và thành viên GreenHub làm vườn giữa trường Việt Đức. Ảnh: GreenHub.

Đồng sáng lập và phó giám đốc GreenHub Nguyễn Thị Thanh Vân có mặt và chịu trách nhiệm chính. Chị cho biết: “Còn vườn hoa ở một trường mầm non là chúng tôi sẽ hoàn tất thành công mô hình thí điểm hy vọng sẽ được nhân rộng”.

Chị Vân mong những bếp than tổ ong ở lại, nhưng cùng một mục đích khác.

Những cư dân còn lại bên bếp than tổ ong

Thuộc một tổ chức thuần túy về môi trường, những người trong GreenHub chưa tiếp cận được người bán than hay bếp. Họ trăn trở việc chuyển đổi ngành nghề cho những sinh kế còn lại xoay quanh than tổ ong. Nhưng chị Vân, Hà hay Xuân Anh chỉ có thể giúp để những chiếc bếp được làm ra không thành rác.

Người đứng đầu nhóm nói: “Qua trò chuyện với các hộ dùng bếp than, phần lớn họ đều hiểu hại thế nào, nhưng vấn đề còn lại là kinh tế. Đúng là các loại bếp khác không đáp ứng nhu cầu ninh đồ ăn lâu mà tiết kiệm chi phí như than tổ ong, và những người chở và buôn than chưa biết có được hỗ trợ gì để đổi công việc khác”.

Ba gác hay xích lô chở than từ lâu đã thưa bóng trên đường phố thủ đô. Những viên than 4.000 đồng, mỗi viên đủ nuôi một gia đình trong một ngày, sẽ sớm không còn được thấy ở Hà Nội. Thời hoàng kim, các chủ cơ sở than đóng 300 viên một ngày mà cung vẫn chưa đủ cầu. Còn giờ hầu như khách của họ chỉ còn là những hộ bán hàng ăn như quán cơm bình dân đầu ngõ nhà bác Sự.

Đó là những viên than đóng và bán được trong ngày, còn người buôn bếp, mục đích còn lại có lẽ là thanh lý được bằng nào hay bằng ấy.

55.000 bếp như này có thể thải ra môi trường nếu cấm toàn bộ bếp than tổ ong ở Hà Nội. Ảnh: GreenHub.

Ông Sơn đứng trước cửa hàng một buổi tối sau ngày dài không bán chác gì. Chưa được vận động biến chồng bếp mới tinh thành những chậu hoa, ông lắc đầu chưa biết làm gì tiếp theo với chỗ bếp. Ông nói mình không phải hộ nghèo, nên không dám hy vọng được hỗ trợ chuyển đổi sang kinh doanh mặt hàng khác, dự định là bánh kẹo.

Bản thân không dùng bếp than nữa, lý lẽ còn lại của chủ buôn là nhẩm tính tiền gas cho một hộ gia đình bốn người nào đó.

“400.000 đồng mỗi tháng so với 3.000 đồng một ngày trước đây”. Ông nghe mọi người than phiền nhiều việc không được dùng nhiên liệu rẻ nữa.

Nhưng ông Sơn cũng thừa nhận hệ luỵ lâu dài và chi phí y tế có thể phải mất về sau, nếu tiếp tục sống trong một cộng đồng bếp than tổ ong.

Cư dân phường Chương Dương bên tác phẩm của mình. Ảnh: GreenHub.

*Nguồn: Báo Ngoisao.net

Explore
Drag