Là một người đã theo đuổi phong cách sống xanh từ khi còn là sinh viên, mỗi thực hành của chị Tú Uyên đều rất thiết thực và đáng để học hỏi. Đối với chị, cốt lõi của lối sống xanh là việc tiêu đủ dùng bền – chỉ mua đủ với nhu cầu của bản thân và tái sử dụng, tận dụng hết tính năng của các món đồ. Như vậy, kể cả các sản phẩm nhựa cũng có thể trở nên thân thiện với môi trường.
1. Được biết chị hiện đang là một “chiến binh xanh” tại Live & Learn Vietnam, vậy điều gì đã khiến chị quyết định gắn bó với công việc này nói riêng và phong cách sống xanh nói chung?
Nói về việc gắn bó với phong cách sống xanh. Hồi còn là sinh viên, mình có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội để học hỏi. Từ đó tiếp cận với các hoạt động môi trường, và biết nhiều hơn về các vấn đề môi trường nữa. Ban đầu cũng rất đơn giản, khó mà dám nói lối sống mình giải quyết được gì. Nhưng mình thấy nó không khó, mà nó nên làm, thì mình làm thôi. Nay đi chợ mang hộp đi, mang túi vải đi, mình bớt được ít rác, thùng rác nhà mình đỡ đầy mình thấy vui, tội gì không làm. Rồi mỗi lần định mua cái gì mà có bọc nilon, lại nghĩ cái túi mình dùng này cả trăm năm sau vẫn tồn tại vất vưởng, mình lại không mua nữa. Không chỉ là giảm túi nilon, mình cố gắng giảm tiêu dùng nói chung. Trước tiên là mình cảm thấy vui vẻ, thoải mái với lối sống của mình. Sau đó thì cũng mong mọi người xung quanh cùng như vậy để góp phần cho môi trường bớt ô nhiễm. Vì mong mọi người như vậy nên mình cố gắng như một tấm gương trước. Lúc mình chia sẻ về lối sống này, nhiều người cũng nghe, cũng cùng làm theo, nên mình lại càng có động lực để theo đuổi.
Công việc hiện tại với mình chưa dám nói là gắn bó. Mình mới bắt đầu đi làm chưa được hai năm, và lúc nhận công việc này cũng khá tình cờ thôi. Khi ấy mình lựa chọn làm ở đây vì muốn làm công việc giúp ích cho xã hội, thay vì thúc đẩy tiêu dùng, hay thúc đẩy những cái mình không cảm thấy cho sự phát triển của xã hội. Hơn nữa, làm ở Live&Learn cũng giúp mình ở trong một môi trường có những người giống mình, mình có thể học hỏi và được truyền cảm hứng từ công việc của mình nữa.
2. Theo chị, đâu là yếu tố cốt lõi của lối sống xanh? Chị có thể chia sẻ cùng độc giả của GreenHub về lối sống xanh mà chị đã và đang thực hành hàng ngày, hoặc phong cách sinh hoạt của mình không?
Sau vài năm theo đuổi, và quan sát, lắng nghe những người xung quanh, mình nghĩ kim chỉ nam của việc sống xanh là việc sống mà giảm tác động tiêu cực tới môi trường, mà yếu tố cốt lõi là việc tiêu đủ dùng bền. Vì thế mà khi nói tới sống xanh, người ta nghĩ đầu tiên đến hạn chế nhựa dùng một lần. Vì dùng một lần xong vất đi thì còn gì là bền nữa. Nói kĩ hơn thì việc đó tạo ra rác rất nhanh, thường xuyên, trong khi mình có thể hành động khác đi, là mỗi ngày bớt được bao nhiêu rác rồi. Vì thế nếu mà để đi chợ bằng hộp, bằng túi vải thay vì dùng túi nilon, mình phải tận dụng hộp sẵn có, hoặc mua mới, thì cũng cố gắng dùng nó thật bền, dùng vài năm, kể cả nhìn nó không đẹp thì vẫn dùng. Chứ mình không dùng chai nhựa, mà mình chai thủy tinh một lần vứt đi, mình không dùng túi nilon, mà mình mua một đống hộp nhựa đẹp rồi dùng vài bữa vất đi mua mới, thì đâu còn là sống xanh nữa. Bây giờ trong nhà mình có mấy cái hộp nhựa, lúc thì vì mua kem, lúc thì người này người kia cho, mình giữ lại để đi chợ, nên nhìn tủ lạnh nó không đẹp như mua một bộ hộp với nhau. Nhưng mình thấy như thế nó mới thực sự là xanh.
Ngoài dùng bền, hãy mua đủ. Mua quần áo đủ dùng thôi. Mình cố gắng trong tủ có 2-3 bộ mặc luân phiên, thế là đủ. Nếu thực sự cần, như quần áo cũ quá rồi không sửa được, hay đi đâu mà trước nay mình chưa có quần áo mặc phù hợp, thì mình mua, đôi khi mình đi mượn nếu chỉ để mặc một hai buổi. Kể cả là mình mua quần áo chất liệu tự nhiên, hay quần áo secondhand thì vẫn phải nhớ mua đủ. Ngày xưa mình cứ nghĩ mình mua lắm quần áo rồi treo tủ chứ có vất đi đâu mà hại môi trường. Nhưng không phải thế, mình dùng cái gì, là cái đó trải qua một quy trình sản xuất tiêu tốn tài nguyên rồi. Vì thế mua quần áo, mua hộp nhựa, mua chai nước đủ dùng thôi, không có nhu cầu thì không mua, nhu cầu ngắn hạn thì đi mượn. Vì thế lắm khi mẹ mình kêu ca vì thấy cái quần mình mặc 5 6 năm, đôi tất mình đi mỗi bên một màu. Nhưng mình vẫn là người thích ngắm nghía, nên mình mặc đồ có cũ cũng phải nhìn nó lịch sự thì mới mặc. Đồ dùng mà bền, và đủ nhu cầu của mình thì mình cứ dùng thôi.
Để thực sự đảm bảo tiêu chí này cần quan sát kĩ mọi thứ mình tiêu dùng hàng ngày, xem nhu cầu mình thế nào, mình dùng cái này nó tác động như nào, dùng được bao lâu. Nhiều lần mình thấy trong group về sống xanh hỏi nhau về các sản phẩm đựng xà bông, vì xà bông tự nhiên rất nhanh chảy nước. Người ta hay dùng hộp thiếc, hay dùng giá gỗ. Nhưng mình chia sẻ luôn là mình dùng hộp nhựa. Mình mua hộp nhựa nhỏ có mấy nghìn thôi, nhưng mình dùng mấy năm không hỏng. Mình có thử dùng hộp thiếc nhưng không dùng mấy ngày là nó han, mình không biết xử lý thế nào phải vứt đi. Mình thấy người ta dùng giá gỗ thì xà bông có bị chảy nước cũng trôi đi hết rất lãng phí. Mua một cái hộp nhựa rẻ hơn nhiều, vì thực ra tài nguyên để làm ra nó cũng rất ít. Mà mình dùng mấy năm không han, không vỡ, không cũ, ngày thường để trong nhà tắm, lúc đi du lịch thì đóng nắp cho vào vali luôn, xà bông chảy nước thì vẫn nguyên trong hộp, bị chảy ra thì đổ vào người vẫn dùng như bình thường. Nhiều người nghĩ nhựa là không thân thiện môi trường, nhưng thân thiện hay không phải nhìn kĩ vào cách dùng của mình.
3. Đối với bạn bè, người thân, chị thường làm gì để khuyến khích họ sống xanh, sống tối giản, bảo vệ môi trường?
Trong mấy năm theo đuổi lối sống này, mình thấy người khó thay đổi nhất chính là những người ở gần mình như người thân, bạn bè. Cách làm của mình luôn là kể về những việc mình làm một cách dễ nghe trên fb, để mọi người dần để ý, dần quen. Kể trên fb vì kể ở đó lúc nào rảnh người ta vào đọc, nghe vài lần người ta sẽ suy ngẫm Chứ nói trực tiếp, không phải chủ đề người ta quan tâm thì mình thành vô duyên, nói một lần xong người ta cũng bỏ ngoài tai hết những lời mình nói. Nhiều khi mình nói không được thì mình làm. Ví dụ như mình mua ống hút cỏ bàng cho mẹ mình vì mẹ mình bán cafe ở nhà. Vì nó không gây bất tiện cho mẹ mình thì mẹ mình mới dùng. Hoặc khi ở trọ với bạn bè, mình hay xung phong đi chợ, để mọi thứ được mua không phải dùng nilon. Một thời gian như thế nhiều bạn bè của mình cũng cầm hộp, túi đi mỗi lần đi chợ, dù mình không yêu cầu họ làm thế. Thấy họ dần thay đổi thì mình cũng mừng. Nói chung sự thay đổi trong lối sống cần làm dần dần, không nên bảo họ làm đi, mà cứ làm đi họ nhìn, có thể họ sẽ làm theo.
4. Chị có dự định gì trong tương lai trên chặng đường giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới sống xanh hay không?
Đó là một lối sống mình theo đuổi nên nói là dự định tương lai thì rất xa vời, vì nó là điều mình làm hàng ngày. Mình vẫn quan sát, lắng nghe mọi người, quan sát cả mình để xem mình nên hay không nên làm gì. Mình nghĩ là lâu dài thì sẽ cố gắng tối đa hóa đơn việc sống xanh của mình. Ví dụ bây giờ mình chưa xử lý rác hữu cơ, mình cũng chưa quan tâm việc sử dụng hoàn toàn các sản phẩm ít hóa chất, do mình cũng lười, và những người sống cùng thì không ai để ý nên mình chưa có nhiều động lực. Nhưng trong thời gian tới sẽ cố gắng hơn, để ít nhất cảm thấy thoải mái với bản thân và nơi mình ở.