/HēRōS/: ZERO – ANH HÙNG 0 – Số thứ 34

Mì tôm – Một món ăn quen thuộc của mọi người, mọi nhà, gắn trong cuộc sống của mọi lứa tuổi người Việt. Tuy nhiên, đôi khi mọi người chỉ ăn mì mà quên mất rằng mình còn tạo ra lượng rác thải lớn do vỏ mì mang lại.

Nhận thấy được điều đó và mong muốn bảo vệ môi trường, cô giáo Vũ Thảo – giáo viên Thể chất Trường Trung học Vinschool Times City Hà Nội đã tự mày mò sáng chế sáng tạo ra những sản phẩm đặc biệt. Chị nhận thấy vỏ mì tôm đáp ứng được những yêu cầu về độ bền, độ dẻo và tính thẩm mỹ nên rất phù hợp để tạo ra các sản phẩm đồ dùng mà nguồn nguyên liệu lại rất nhiều do mì tôm là một món ăn thường thấy trong đời sống người Việt, nên đã quyết định tái chế lượng rác vỏ mì tôm thành những vật dụng xinh xắn như vòng tay, túi xách, lót cốc, hoa tai.

Sau một khoảng thời gian, CLB Mì Tôm Xanh ra đời. Đây là CLB chuyên tái chế vỏ mì tôm thành những vật dụng hữu ích và cũng tạo không gian cho các em học sinh có cơ hội sáng tạo các hoạt động bảo vệ môi trường.

Cùng GreenHub hiểu hơn về hành trình của cô giáo Vũ Thảo trong chuyên mục Anh hùng 0 hôm nay nhé!

“Rác không phải là rác, rác có thể là vàng”

Để tạo nên được những sản phẩm tái chế từ mì tôm thì cũng có nhiều lý do lắm:

Thứ nhất, mình là người thích làm đồ Handmade, từ thời sinh viên mình cũng đã làm rất nhiều những sản phẩm tái chế và hoa vải rồi….

Thứ hai mình là một người yêu môi trường. Nhân dịp tuần lễ tái chế vì môi trường được triển khai tại trường mình, mình đã có ý tưởng đan 1 sản phẩm gì đó. Cũng từ đây mình mày mò và thử nghiệm đến vỏ mì, rồi bị cuốn luôn. Tỉ mẩn nghiên cứu, kiên trì kêu gọi khuyên góp vỏ mì trong thời gian dài…. Đến giờ đã hơn 2 năm kể từ ngày thành lập, hiện nay lượng vỏ của CTV gửi về là rất rất nhiều, mẫu mã sản phẩm mà mình nghiên cứu ra đã phong phú và đảm bảo về tính thẩm mỹ cao.

Thứ 3 là ngay từ khi bắt đầu mình đã có một niềm tin là đây sẽ là dự án đặc biệt của riêng mình mà có thể giúp ích cho cộng đồng và xã hội. Mình muốn thực hiện để biến những mục tiêu mình đề ra thành hiện thực: Giảm thiểu rác thải nilong – Sáng tạo thành những vật dụng hữu ích có độ bền cao – Lan tỏa tinh thần sáng tạo và tận dụng rác – Làm từ thiện từ tiền bán sản phẩm (Khách mua hàng chuyển khoản trực tiếp cho các quỹ Covid, quỹ lũ lụt, các em nhỏ khó khăn rồi gửi xác nhận là mình gửi hàng chứ không thu tiền về) – Tạo việc làm cho các hoàn cảnh khó khăn – Kinh tế tuần hoàn (Rác và vỏ thừa gửi cho công ty gạch tái chế chứ không thải ra môi trường tiếp)

Với mình, sống phải trách nhiệm với môi trường. Mình yêu Trái Đất vì đây là nơi con người đang sống, nên là đừng tìm đâu xa – có những điều nhỏ bé nhưng giá trị thật lớn lao nếu chúng ta nhận ra nó. Rác không phải là rác, rác có thể là vàng. Vỏ mì tôm cũng không phải là rác, mình đang chứng minh cho mọi người thấy nó cũng là vàng. 

Dạy cho trẻ em khiếm thính đan đồ từ vỏ mì tôm

Sau hơn 2 năm hoạt động thì đến giờ mình đủ tự tin về kinh nghiệm làm sản phẩm, mẫu mã đẹp và đa dạng, nguồn vỏ do CTV hỗ trợ đã rất lớn và có đến gần 300 CTV trên khắp các tỉnh thành. Hiện mình không sợ thiếu vỏ mì tôm nữa, theo như kế hoạch từ đầu đếnnăm thứ 3 mình sẽ đến các trung tâm bảo trợ để giúp đỡ họ có việc làm, và hiện thì mình đang thực hiện được rồi.

Mình hay xem các chương trình từ thiện, các hoàn cảnh khó khăn trên truyền hình và một lần mình xem tới các bạn khiếm thính. Lúc xem các tin tức đó, mình nghĩ họ câm điếc thôi chứ đôi tay và não bộ của họ vẫn rất tuyệt vời. Cũng là một cơ duyên, mình mày mò tìm hiểu rồi liên hệ với chị Chủ tịch hội cha mẹ có con khiếm thính – Chủ tịch Doanh nghiệp vì người khiếm thính Việt Nam. Vừa liên hệ thì chị ấy ngay lập tức nhắn lại liên tục, hôm sau đến gặp mình luôn. Chị ấy ngỡ ngàng và mừng lắm, họ đang loay hoay vì ko biết làm gì cho bền vững cho độc đáo….Sự kết hợp như vậy là bắt đầu. Tuần nào mình cũng cố gắng sang văn phòng của hội 1 – 2 ngày dạy các cô giáo và dạy các em nhỏ khiếm thính đan lát đồ từ vỏ mì tôm. Tất nhiên là hoàn toàn miễn phí. Vui và hạnh phúc khi các bạn ấy rất thích. Bên cạnh đó, ngoài dạy đan ra thì dạy các bạn ấy thêm các kĩ năng khác nữa (như giao tiếp, trình diễn thời trang……)

Các bạn ấy sẽ là lứa đầu tiên mình truyền nghề, mình và chị Chủ tịch Doanh nghiệp vì người khiếm thính VN đang rất quyết tâm làm những gì tốt nhất cho các bạn ấy, cho môi trường và cho những hành động đẹp trọng cộng đồng. Mình tin là sẽ thành công.

Hành trình không có hồi kết

Với mình, hành trình làm những sản phẩm từ vỏ mì tôm là một hành trình không có hồi kết, ngay từ đầu mình đã xác định đi đường dài. Dù có nhiều khó khăn nhưng khi đã đi qua được hơn 2 năm rồi thì niềm tin đó càng lớn hơn. Nhờ nó mà mình được nhiều người ủng hộ, những giá trị về giáo dục cho học sinh của mình cũng được ghi nhận, mình cũng giúp đỡ giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, giảm thiểu được rác bền vững, tạo ra những sản phẩm độc đáo. Nếu đã tạo ra tác động kép như vậy tại sao không đi tiếp. Cố gắng không vội vàng và lì chính là điều mình luôn nghĩ trong đầu khi làm dự án này. 

Sắp tới khi có nhân lực dồi dào thì mình cũng có định hướng kinh doanh hợp lý để vừa làm từ thiện vừa duy trì phát triển CLB như một Doanh nghiệp xã hội. Mình cũng muốn có thêm kinh phí để chi trả lương cho nhân công hay mua thêm các nguyên phụ liệu để sáng tạo nữa.