Sử dụng hộp nhựa đựng thức ăn đặc biệt là đồ ăn nóng luôn một lựa chọn phổ biến từ tất cả chúng ta vì sự tiện dụng cũng như những lợi ích về mặt kinh tế. Nhưng đi kèm với sự tiện lợi đó, có một nỗi niềm thấp thỏm lo âu mà chúng ta vẫn hay được rỉ tai nhau rằng “Đừng để đồ ăn nóng vào hộp nhựa, thôi ra nhiều chất độc lắm”. Liệu có thực sự như vậy? Hãy cùng tìm hiểu với chúng mình qua bài viết này nhé.
Nhựa và sự nóng chảy của nhựa
Nhựa được chia làm 7 loại với các dựa theo cấu trúc hóa học, quá trình hóa học, tính chất vật lý … bao gồm PETE “1”, HDPE “2”, PVC “3”, LDPE “4”, PP: “5”, PS “6” và PC “7”. Mỗi loại nhựa đều có một nhiệt độ nóng chảy khác nhau ví dụ như PP ~ 165 °C, PE ~ 120 °C, PVC ~ 80 °C, PS ~ 180 °C – 200 °C. Khi đạt đến những nhiệt độ này thì các vật dụng bằng nhựa bắt đầu chuyển trạng thái từ thể rắn sang thể lỏng, nhựa dần dần bị biến dạng so với hình dạng ban đầu.
Các chất độc bị thôi ra từ nhựa có gây hại cho sức khỏe con người không?
Nhựa khi sản xuất thường được cho thêm một số các loại phụ gia giúp nhựa có thể dẻo hơn để ứng dụng được nhiều hơn trong đời sống. Khi nhựa bị nung nóng thì khả năng rò rỉ các chất độc hại này trong nhựa ra bên ngoài và bám vào thức ăn có thể nhanh hơn bình thường tới 55 lần. Có một chất tên là Bisphenol A (BPA) là hóa chất độc hại gây rối loạn nội tiết tố, thường có trong nhựa, đặc biệt ở nhiệt độ cao, sẽ tan vào thức ăn. Có thể gây ra các bệnh rất nguy hiểm như ung thư, suy chức năng tuyến giáp, ảnh hưởng tới hệ thần kinh.
Ngoài ra còn có một chất khác là DOP (dioctin phatalat) là một chất hóa dẻo, tác dụng giống như hoóc môn nữ nên rất có hại cho nam giới và trẻ em khi cơ quan sinh dục chưa hoàn chỉnh. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài, các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm.
Vậy có phải tất cả hộp nhựa đều không đựng được thức ăn nóng?
Câu trả lời cho câu hỏi này là không nhé. Trên thực tế có tồn tại các loại vật liệu bằng nhựa khi tiếp xúc với nhiệt độ cao thì không hề gây hại cho sức khỏe con người có thể kể đến như cốc, chén, bát, đũa bằng nhựa melamine- một loại nhựa cao cấp trông rất giống gốm sứ; bình sữa, chai nước, bình bột cho trẻ nhỏ bằng nhựa HDPE; giấy gói thực phẩm bằng nhựa LDPE và các hộp đựng thực phẩm bằng nhựa PP. Vì vậy trước khi đưa ra quyết định chọn đồ dùng đựng thức ăn nóng hãy xem chúng được làm từ loại nhựa nào thông qua các ký hiệu được in dưới đáy và xem chúng có dùng được trong lò vi sóng không nha.
———-
Nguồn tham khảo:
Đựng thức ăn nóng trong đồ nhựa rất nguy hiểm [online], có tại: https://vnexpress.net/dung-thuc-an-nong-trong-do-nhua-rat…
Cách phân biệt các loại đồ nhựa tốt và xấu [online], có tại: https://thanhnien.vn/cach-phan-biet-cac-loai-do-nhua-tot…
Nhiệt độ nóng chảy của một số loại nhựa thông dụng [online], có tại: http://vpas.vn/…/nhiet-do-nong-chay-mot-so-loai-nhua…