Skip links

Phú Yên Zero Waste: Nước rửa bát từ vỏ trái cây – Ích nước lợi nhà, thêm tiền – giảm rác.

Nước rửa bát sinh học là phương pháp xử lý rác thải hữu cơ, hướng tới tiếp cận “Không rác thải” đã được GreenHub định hướng và tập huấn cho chị em phụ nữ thuộc Liên hiệp Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên ngay từ những ngày đầu tiếp cận dự án vào năm 2019.

Sau gần 2 năm được tiếp cận thông tin, tập huấn hướng dẫn, rất nhiều chị em phụ nữ ở tình Phú Yên đã nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, hướng tới sống xanh bằng cách thực hành phân loại rác thải, tái chế vỏ trái cây tạo sản phẩm tẩy rửa sinh học – thân thiện với môi trường sử dụng trong gia đình.

Tập huấn tại tỉnh Phú Yên (2019)

Những người phụ nữ Phú Yên không chỉ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, mà họ còn là những người phụ nữ năng động, nhanh nhạy và bản lĩnh trong trong kinh doanh. Điển hình là mô hình sản xuất rửa bát sinh học từ vỏ trái cây của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Mô hình sản xuất nước rửa bát sinh học từ vỏ trái cây của Hội Phụ nữ xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên

Sau gần 2 năm xây dựng và vận hành mô hình với sự đồng hành về kỹ thuật từ Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Trường Cao đẳng Công Thương Miền Trung, cùng sự hỗ trợ của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Phú Yên, và sự ủng hộ của các sở, ban ngành, cơ quan đoàn thể địa phương, mô hình của chị em phụ nữ xã Bình Ngọc dưới sự dẫn dắt của Hội trưởng Nguyễn Ánh Hồng đã đạt được một số thành tựu:

  • Trung bình mô hình sản xuất được 500-600 lít nước tẩy rửa sinh học/ tháng, giúp tái chế được 180kg rác hữu cơ từ vỏ trái cây phát thải từ hoạt động kinh doanh nước ép cam trên địa bàn thành phố tại thành phố Tuy Hoà.
  • Mô hình đem lại nguồn thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng/ tháng/ người cho các chị em tham gia hoạt động sản xuất.
  • Mô hình kinh doanh mở rộng thị trường tiêu thụ tại thành phố Tuy Hoà, huyện Sông Hình, huyện Sơn Hoà, huyện Tuy An, huyện Tây Hoà – tỉnh Phú Yên, và thành phố Hồ Chí Minh

Có thể thấy sự phát triển của mô hình sản xuất nước rửa bát từ rác hữu cơ này không chỉ giúp giảm lượng rác thải ra bãi chôn lấp mà còn đem lại sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường cho người tiêu dùng và gia tăng thu nhập cho chị em phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng trả lời phỏng vấn

Chính vì những những lợi ích đó, chị em Hội phụ nữ xã Bình Ngọc, thành phố Tuy Hoà quyết tâm mở rộng quy mô sản xuất nước rửa bát để đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tiếp tục giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Đây là bài học đánh dấu những bước khởi đầu thành công của chị em Phụ nữ xã Bình Ngọc, cùng sự ủng hộ của chính quyền địa phương và sự đồng hành của GreenHub, sự phát triển nhân rộng mô hình “ích nước lợi nhà” này tại tỉnh Phú Yên nói riêng, và Việt Nam nói chung là điều hoàn toàn có thể tin tưởng.

Explore
Drag