Năng lượng trong Permaculture – Phần 1: Lưu trữ và tuần hoàn năng lượng

“Năng lượng không tự nhiên sinh ra cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác hoặc truyền từ vật này sang vật khác”

Định luật Bảo toàn năng lượng

Vậy tại sao chúng ta vẫn tạo ra rác – một dạng “năng lượng” được coi là thừa thãi và bỏ đi, đồng thời đang là một trong số những vấn nạn môi trường bức thiết nhất hiện nay? Phải chăng chúng ta đã “bẻ thẳng” sự chuyển hóa của “năng lượng”, khiến nó không thể chuyển từ dạng này sang dạng khác được nữa?

Với mô hình permaculture, điều này hoàn toàn được giải quyết. Năng lượng được lưu trữ, tận dụng và bảo toàn một cách tối ưu, giúp chúng ta giảm thiểu nhu cầu sử dụng các tài nguyên khác từ bên ngoài. Là một trong 12 nguyên tắc cơ bản trong thiết kế permaculture, “Thu thập và Lưu giữ năng lượng” (Catch and Store Energy) là phương thức mô phỏng các mô hình tuần hoàn trong tự nhiên, giúp năng lượng hoạt động theo chu kỳ và ngày càng mở rộng trong hệ thống.

“Một tách trà Permaculture”

Thử nhớ về tách trà bạn uống mỗi sáng, bạn có biết trà bạn đang pha tới từ đâu, chiếc tách bạn đang cầm trên tay được làm ra thế nào? Nền nông nghiệp công nghiệp hóa hiện đại đã khiến chúng ta bị “mất thông tin” về quá trình trước và sau khi sử dụng của một sản phẩm. Bạn sẽ không biết được tách trà trước mặt bạn đã tiêu tốn bao nhiêu năng lượng và từ những đâu, năng lượng đã thất thoát và lãng phí bao nhiêu trong quá trình sản xuất, vận chuyển và phân phối. Nhưng với permaculture, mọi chuyện trở nên đơn giản hơn nhiều. Không những nắm bắt được chu trình năng lượng của tách trà, từ khi còn là một hạt mầm đến khi trở thành bã trà, mà còn tối ưu hóa nguồn năng lượng này, trong vòng tuần hoàn tự nhiên như nó vốn có.

Chu trình năng lượng

Thông thường, để thu thập và lưu giữ năng lượng, có 2 cách:

  1. Thu thập nguồn năng lượng từ bên ngoài
  2. Lưu giữ và tận dụng năng lượng có sẵn trong hệ thống

Và đưa chúng vào chu kỳ năng lượng tuần hoàn trong hệ thống.

Chúng ta có thể thấy một số cách làm điển hình ngăn nguồn chất dinh dưỡng và nguồn năng lượng thất thoát như: phế liệu trong bếp chuyển thành phân ủ; phân gia súc dùng để sản xuất sinh khí hoặc bón cây; nước rác thải ra tưới cho vườn cây; trồng cây phân xanh rồi chặt hạ và vùi vào đất; lá rụng được cào thu lại ủ cho cây. Ở những vùng quy mô lớn, nước cống rãnh còn được xử lý sản xuất phân bón dùng trong vùng.

Không chỉ tái chu kỳ để tăng năng lượng, permaculture còn tích trữ và sử dụng các yếu tố trước khi chúng giảm xuống mức năng lượng thấp nhất, trở thành vô dụng và mất đi. Ví dụ điển hình cho việc này là nước được hứng, trữ từ trên đồi cao để được sử dụng qua một hệ thống phức tạp (ao, chuôm,…), nhằm sản xuất ra năng lượng cho đến khi có thể để nước chảy ra ngoài nơi chứa. Nếu không quan tâm sử dụng đồi cao mà chỉ lo xây dựng đập nước ở dưới thung lũng, ta sẽ bỏ lợi thế nước chảy từ cao xuống do trọng lượng, phải cần đến năng lượng chạy máy bơm để đưa nước trở lại trên cao. Bởi lẽ đó, lượng nước chưa phải là nhân tố quan trọng nhất, mà chính là những mô hình chúng ta xây dựng nên để sử dụng nước một cách thuận lợi nhất. Vậy nên, cần có nhiều điểm dự trữ hữu ích để điều khiển năng lượng giữa nguồn năng lượng đến hoặc được tạo ra trong địa điểm và năng lượng thất thoát ngoài hệ thống.

Nông sản chất lượng cho tất cả mọi người

Trong hệ thống cung cấp lương thực hiện đại, nhu cầu dinh dưỡng và thức ăn hàng ngày được một mạng lưới thị trường, kho tàng, chuyển vận trên khắp toàn cầu. Điều này tiêu tốn rất nhiều năng lượng so với các nền nông nghiệp địa phương, và thậm chí chỉ có thể hoạt động nhờ vào sự trợ cấp nhiên liệu. Những biện pháp tưởng chừng “hữu hiệu” đã phải áp đặt trong một thời gian dài đối với người sản xuất, gây hại cho đất đai và giảm chất lượng nông sản. Thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, những phương pháp canh tác và kỹ thuật làm đất thiển cận đã trở thành một giải pháp thông thường, vô vọng, hạ giá thành, tăng năng suất nhằm đảm bảo nền kinh tế ổn định. Tình hình này cũng dẫn tới việc sử dụng các sản phẩm nông sản “sạch”, “đảm bảo chất lượng” kéo theo giá thành cao và không phải ai cũng được sử dụng.

Lợi ích rõ nét nhất của việc lưu trữ và tuần hoàn năng lượng trong hệ thống permaculture là mức thất thoát dinh dưỡng và năng lượng giảm tối đa, dẫn tới một cộng đồng được hỗ trợ bởi nền nông nghiệp đa dạng, không bị ảnh hưởng của sự phân phối thị trường. Cộng đồng này, hay chính chúng ta, được bảo đảm nhiều loại thức ản phong phú, đáp ứng yêu cầu dinh dưỡng, mà không hy sinh chất lượng và hủy diệt đất canh tác. Hơn nữa, điều này cũng giúp xóa bỏ cước phí vận tải tốn kém, đóng gói và tiếp cận thị trường, mang tới nguồn nông sản chất lượng mà tiết kiệm cho tất cả mọi người.

Nguồn tham khảo:

  1. Introduction to Permaculture, Bill Mollison
  2. https://open.oregonstate.education/permaculture/chapter/energy/
  3. https://deepgreenpermaculture.com/permaculture/permaculture-design-principles/6-energy-cycling/
  4. https://treeyopermacultureedu.com/chapter-2-3-or-the-11-design-principles-from-the-intro-book/energy-cycling/

Theo dõi chuyên mục Permaculture để tiếp tục cập nhật các thông tin và cách thức áp dụng của hệ thống nông nghiệp này.