Skip links

Những tips đơn giản, khởi động lối sống Zero Waste

Thế giới đã và đang hàng ngày hứng chịu những làn sóng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, rò rỉ ra ngoài môi trường. Theo National Geographic (2015), có khoảng 5,25 nghìn tỷ mảnh vụn nhựa ngoài đại dương, trong đó có 229 nghìn tấn trôi nổi trên bề mặt và 4 tỷ tấn hạt vi nhựa trên một kilomet khối nằm sâu dưới đáy đại dương. Chính vì vậy, để giảm thiểu điểm đến của rác thải tại môi trường, chúng ta cần có một giải pháp giải quyết rác thải tại nguồn – chính từ các hộ gia đình, nhà của chúng ta.

Bằng cách nào ư? Mô hình Zero Waste (Không rác thải) là mô hình đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng vào đời sống hàng ngày. Nếu nghe theo dịch nghĩa, bạn cảm thấy lối sống zero waste thật khó khăn, vì mọi việc chúng ta làm hằng ngày đều có thể xả thải ra ngoài môi trường. Vậy thì hãy để GreenHub giúp các bạn với những tips đơn giản, giúp bạn có thể bắt đầu hành trình Không rác thải tại nhà nhé!


1. Thải ra ít rác thải nhất có thể:

Thật khó để bắt đầu “Không rác thải” ngay từ những ngày đầu tiên. Chúng ta cần tạo thời gian và thói quen từ việc giảm rác thải mỗi ngày. Hãy bắt đầu bằng việc nhận thức được việc chúng ta đang xả thải bao nhiêu rác thải mỗi ngày, và tối giản lượng rác thải ấy. 

Bạn có thể sẵn sàng từ chối những vật phẩm, thực phẩm mà sử dụng quá nhiều bao bì nhựa để bảo quản. Hầu hết những bao bì nhựa ấy đều là nhựa sử dụng một lần (khay, hộp xốp, màng bọc nhựa,…) rất khó để tái chế hoặc tái sử dụng. Vậy nên hãy đừng ngần ngại mà từ chối sử dụng chúng.

Ngoài ra, nếu bạn có cây trồng trong nhà, sở hữu một thùng ủ phân đậy nắp kín là một ý tưởng hay nhằm tái sử dụng thức ăn thừa thành phân ủ. Trong quá trình ủ phân sẽ có mùi hôi, khó chịu, bạn có thể để thùng ủ phân xa nơi sinh sống của mình, tránh ảnh hưởng tới mọi người.


2. Mua ít, sử dụng vừa đủ

Đã bao giờ bạn mua một món đồ nào đấy (đồ trang sức, thức ăn, …) được “cất giấu quá kỹ”, khiến bạn lãng quên về sự tồn tại của nó. Nhưng đáng tiếc rằng, khi bạn tìm thấy chúng thì đã quá muộn vì chúng đã hết hạn sử dụng hoặc đã hỏng. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như gia đình, chỉ còn một cách duy nhất đó là vứt chúng ra các bãi rác. Chính vì vậy, để tránh việc lãng phí đồ ăn, đồ dùng trong nhà, bạn cần có cách sắp xếp hợp lý, tránh trường hợp bị lãng quên và không dùng đến. 

Hơn nữa, hãy tránh mua quá nhiều và vượt mức ăn của bản thân cũng như mọi người trong nhà. Nếu bạn cứ mua mà không để ý đến sức ăn hoặc sức tiêu thụ của mình và gia đình, thì việc những đồ ăn bạn mua sẽ sớm bị lãng phí, bỏ quên, hỏng, mốc, … làm gia tăng lượng rác thải ra ngoài môi trường. Thay vì mua nhiều, hãy tính toán sức ăn của mọi người trong một khoảng thời gian nhất định để dựa vào đó và mua thức ăn (2-3 ngày hoặc một tuần,…).

Bạn có thể áp dụng những phương pháp quản lý đồ dùng đơn giản như sau: lên danh sách các đồ ăn, thực phẩm đã có trong nhà, trong tủ lạnh; sắp xếp các đồ dùng của mình (đồ trang điểm, tẩy trang, …) ngay ngắn, không bị mất hoặc khuất tầm nhìn;…


3. Tái sử dụng, sửa chữa những đồ vật trong nhà:

Tái sử dụng và tái sửa chữa là ưu tiên hàng đầu của lối sống “Không rác thải”. 

Đối với những đồ dùng hoặc đồ điện tử trong nhà, thay vì vứt đi và mua mới, hãy lựa chọn phương pháp sửa chữa thay vì biến chúng thành rác thải. Với mỗi lần bạn mua mới, không những bạn sẽ gián tiếp gây hại cho môi trường, mà còn tốn một khoản phí không hề nhỏ để mua đồ dùng mới. 

Đối với những đồ dùng chai đựng (chai nước ngọt, chai dầu gội, sữa rửa tay, …) sau khi hết, chúng vẫn còn có ích với bạn, thay vì vứt đi không thương tiếc. Với chai dầu gội, nước rửa tay, bạn có thể chọn phương án refill (đổ đầy lại) và tiếp tục sử dụng như chưa từng có cuộc chia ly. Cùng với đó, những chai nước có thể được sử dụng với mục đích khác như chậu cây, làm đồ chơi, chai đựng nước tưới cây, … 

Nếu không thể tái sử dụng, bạn hãy mang đến những địa điểm thu gom tái chế hoặc đổi rác nhận quà tại địa phương đang sinh sống. 


4. Hạn chế nhận thêm túi nilon: 

Cuối cùng, bước đi có vẻ đơn giản nhưng cũng vừa khó khăn, đó chính là từ chối nhận thêm túi Nilon. Túi nilon rất tốt nhưng cách chúng ta sử dụng chúng thì ngược lại. Trên thực tế, túi nilon có thể tái sử dụng lại nhiều lần trước khi chúng phải đi về bãi chôn lấp. Vậy nên, chúng ta hãy tái sử dụng túi nilon nhiều nhất có thể và mang sẵn túi nilon theo người trước khi ra khỏi nhà, nhằm hạn chế nhận thêm túi nilon, xả thải ra ngoài môi trường.

Nếu bạn có nỗi lo rằng túi nilon sẽ không bền và có thể bị rách bất cứ lúc nào, bạn có thể thay thế túi nilon bằng túi vải hoặc túi polyeste gấp gọn mỗi khi đi ra ngoài, đi chợ.


——–

Nguồn tham khảo:

1. Earth Easy, ‘Zero Waste: A Beginner’s Guide”, <https://learn.eartheasy.com/guides/zero-waste-a-beginners-guide/

2. Bae Johnson (2013), ‘Zero Waste Home’.

——–

Bài viết thuộc chuyên mục Lựa Lối – chia sẻ các lựa chọn, thông tin hữu ích để thực hành lối sống xanh trong cuộc sống thường nhật, bắt đầu từ những điều bé nhỏ bền bỉ.

Explore
Drag