Skip links

PERMACULTURE – MỤC TIÊU LÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE CỦA ĐẤT

“It’s not the soil itself – it’s the soil life that is the most important element.”

Geoff Lawton

Nếu bạn muốn bắt đầu thực hành permaculture, một trong những thành phần quan trọng nhất bạn cần quan tâm là đất. Đất là cơ sở của mọi sự sống trên Trái Đất, có khả năng tái sử dụng các chất thải, thúc đẩy sinh trưởng, dự trữ và làm sạch nước,… Một loại đất khỏe mạnh có thành phần cân đối về nước, chất khí, các chất khoáng, các vật thể sống và các chất hữu cơ phân hủy. Toàn bộ các thành phần ấy tác động lẫn nhau tạo ra sự sống của đất.

Đất nghèo là gì?

Có nhiều nguyên nhân làm cho đất bị phá hoại, nhưng nguyên nhân cơ bản là lớp thực vật trên mặt đất bị lấy mất. Ngoài trường hợp các sa mạc tự nhiên, bao giờ đất cũng được phủ thực vật. Nhằm tăng năng suất thu hoạch, đất hoang bị cày xới lên kéo theo thảm thực vật tự nhiên bị phá hủy, môi trường tự nhiên bị biến đổi đến mức không còn nhận ra được nữa. Hàng nghìn năm đất đã tiến hóa trong môi trường tương tác giữa cây, không khí và nước thì nay mối tương tác đó bị đảo lộn do tác động của nền nông nghiệp hiện đại: hệ thống độc canh cùng với sử dụng lượng phân bón nhân tạo quá lớn.

Hệ thống nông nghiệp độc canh và sử dụng lượng phân bón hóa học quá lớn là nguyên nhân hàng đầu khiến đất bị hủy hoại nghiêm trọng. Nguồn ảnh: Henry Be

Mục tiêu của permaculture là chăm sóc sức khỏe của đất

Trong hệ thống permaculture, mục tiêu là cải tạo những loại đất đã bị phá hoại và để cho diễn biến tự nhiên những hệ sinh thái đặc biệt như đầm lầy, sa mạc, đồi núi,… Không chỉ vậy, chúng ta cũng cần sử dụng hết các chất dinh dưỡng để không thành nguyên nhân gây ô nhiễm bằng cách trồng nhiều loại cây, mỗi loài sử dụng những dạng chất dinh dưỡng khác nhau để sinh trưởng và phát triển.

Tùy theo khí hậu và đặc điểm địa bàn, có rất nhiều cách để “chăm sóc” đất và trong mọi trường hợp chất hữu cơ là phương tiện tốt nhất để cải tạo đất. Các phương pháp mô tả sau đây nhằm tăng cường hàm lượng chất hữu cơ và cải tiến chế độ dinh dưỡng của đất.

1, Phân xanh

Kỹ thuật này nhằm trồng những cây sẽ cắt và vùi lại vào đất, tạo thành một loại chất hữu cơ có chất lượng cao. Các cây phân xanh này được tỉa cành lá hai hoặc ba lần trong thời gian sinh trưởng và sẽ được cắt nhỏ vùi vào đất trước khi chúng ra hoa và kết hạt. Kỹ thuật này giúp cải tiến cấu trúc đất, đồng thời cung cấp chất dinh dưỡng.

2, Cây “cố định đạm”

Cây “cố định đạm” là những loại cây với sự cộng sinh của rễ cây với vi khuẩn Rhizobium, loại vi khuẩn cung cấp cho cây Nitơ dưới dạng mà cây dùng được và giải phóng phần Nitơ chưa dùng vào đất quanh vùng rễ. Rễ của loại cây này thường có những nốt sần nhỏ màu trắng, chẻ nốt sần ra, bên trong có màu đỏ hồng. Các cây “cố định đạm” gồm nhiều loại đỗ đậu, các loại cây keo và các cây có hoa hình hoa đậu.

3, Cây che phủ

Những cây che phủ có tác dụng rất giống cây phân xanh, giúp cải tiến cấy trúc đất, và cung cấp những sản phẩm ăn được. Cây che phủ đặc biệt thích hợp với những đất cứng, chắc. Hệ thống rễ của chúng làm đất thoáng với không khí và nước, bảo vệ mặt đất khỏi xói mòn và khô cứng. Tiêu biểu cho loại cây này là những cây thuộc họ bầu bí, các loại khoai,…

4, Rác phủ đất

Rác phủ đất là lớp bảo vệ mặt đất, giúp giảm ảnh hưởng của nhiệt độ mùa Hè và mùa Đông vì nó cách ly mặt đất khỏi nóng và lạnh thái quá. Đồng thời cũng ngăn xói mòn, giúp giữ ẩm trong đất, như một hàng rào ngăn cỏ dại. Khi lớp che phủ được làm từ các chất hữu cơ (cỏ khô, rơm rạ, giấy báo cũ,…) thì sẽ bổ sung dần chất hữu cơ và chất dinh dưỡng cho đất khi chúng mục đi.

5, Phân chuồng

Trong permaculture, động vật là một bộ phận rất quan trọng của hệ thống. Chúng thực hiện nhiều chức năng, một trong những chức năng ấy là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây dưới dạng phân chuồng.    

Theo dõi chuyên mục Permaculture để tiếp tục cập nhật các thông tin và cách thức áp dụng của hệ thống nông nghiệp này.         

Nguồn tham khảo

1. Earth user’s guide to Permaculture second edition, Rosemary Morrow

2. Đại cương về nông nghiệp bền vững, Bill Mollison and Reny Mia Slay

3.  https://permaculturenews.org/2015/05/03/permaculture-soils-geoff-lawton/

4. https://permaculturenews.org/2017/08/11/soil-mineralisation-part-1-need-add-soils/

  


Explore
Drag