Mới đầu bạn nghe, chắc hẳn Permaculture là một cụm từ có vẻ xa vời, không thể áp dụng trong đời sống của mình, nhất là khi chúng ta đang sống trong thành phố, những tòa nhà cao tầng. Nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi chúng mình nói rằng Permaculture có thể được thực hiện ở bất cứ đâu và tất cả mọi người đều có thể thực hiện được!
Để hiểu đơn giản, Permaculture là triết lý sản xuất nông nghiệp, khi mọi thứ được thiết kế, duy trì thuận theo đặc điểm của tự nhiên (bao gồm sự đa dạng loài, sự ổn định và khả năng tự phục hồi,…) (Bill Mollison).
Vậy, chúng ta có thể bắt đầu từ đâu để thực hiện Permaculture? Dưới đây là tổng hợp những phương pháp đơn giản nhất, giúp bạn có thể dễ hình dung về Permaculture, và thực hành chúng ngay tại nhà của mình nhé!
Vị trí trồng cây:
Vị trí trồng cây rất quan trọng giúp cây có thể phát triển tốt nhất và cho năng suất cao. Hãy quan sát các vị trí trong nhà hoặc trong vườn có đầy đủ các yếu tố tự nhiên nhất, bao gồm ánh sáng mặt trời, nguồn nước tưới cây, hướng và sức gió, …
Ngoài ra, để quan sát một cách tổng quan và chi tiết nhất, chúng ta nên dành khoảng 1 năm để quan sát cả yếu tố thời tiết, qua các mùa. Từ đó chúng ta sẽ biết được những loại cây nào sẽ “hợp phong thủy” với khu vườn của mình theo các mùa trong năm.
Chúng ta cũng đừng quên quan sát các loại côn trùng, sâu bệnh thường xuất hiện trong vườn để có những biện pháp, trồng cây, phân bổ và lựa chọn vị trí thích hợp, có phương pháp diệt sâu bệnh thuận tự nhiên.
Trồng đa dạng các loại cây trồng:
Chúng ta nên trồng đa dạng các loại cây trồng trong vườn của mình, một phần là để có thể thường xuyên cung cấp thực phẩm rau sạch cho chúng ta; ngoài ra, trồng đa dạng các loại cây trồng còn giúp đảm bảo sự đa dạng tự nhiên, và còn có khả năng bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh. Dưới đây là ví dụ về một số loại cây trồng mà bạn có thể trồng trong vườn, nhằm đảm bảo đa dạng, thuận tự nhiên:
Cây rau để thu hoạch: Các loại cây rau nên trồng xen canh để đảm bảo nguồn cung cấp bền vững cho bữa ăn của bạn và gia đình. Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng các giống cây rau có nguồn gốc địa phương, trong nước để đảm bảo chúng được khỏe mạnh, phát triển tốt nhất trong môi trường của mình.
Trồng các loại cây thảo mộc giúp đuổi sâu bệnh, gây bệnh cho các loài cây khác trong vườn (ví dụ như cây bạc hà: vừa có thể làm gia vị, vừa có thể bảo vệ các cây trồng.)
Xen kẽ với cây rau, cây thảo mộc, bạn có thể trồng thêm các loại cây thu hút côn trùng có lợi cho cây, ví dụ như trồng các loại cây hoa để thu hút bướm, giúp cây hoa trong vườn thụ phấn.
Sử dụng lớp vụn giấy, bìa để bảo vệ cây:
Một trong những điều bị hạn chế sử dụng trong phương pháp Permaculture đó chính là sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc hóa học để diệt sâu bệnh, diệt cỏ dại. Hơn nữa, việc lạm dụng thuốc diệt cỏ không những đi ngược lại với triết lý của Permaculture, mà chúng còn có hại cho đất trồng, khiến đất dần dần trở nên khô cằn, mất dinh dưỡng.
Thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ, một phương pháp đơn giản hơn đó chính ra sử dụng vụn giấy, bìa carton để che đất. Việc sử dụng vụn giấy, vụn bìa sẽ chắn ánh nắng chiếu xuống đất, không tạo điều kiện cho cỏ dại mọc lên và sinh sôi. Chỉ cần xé hoặc cắt nhỏ giấy, bìa và phủ lên mặt đất và nỗi lo mọc cỏ dại của bạn sẽ tan biến!
Sử dụng “thiên địch” thay vì dùng thuốc trừ sâu:
Giống với thuốc diệt cỏ, sử dụng thuốc trừ sâu cũng đi ngược lại với phương pháp Permaculture vì chúng gây hại đối với đất trồng, là giảm sự đa dạng tự nhiên. Chưa kể đến thuốc trừ sâu còn có thể ngấm vào cây, gây hại cho sức khỏe của con người khi ăn phải.
“Thiên địch” là kiến thức Sinh học mà chúng ta đã được biết đến trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Thiên địch là cách gọi của các loài động vật ăn diệt trừ côn trùng, sâu bệnh gây hại cho thực vật trong khu vườn của bạn. Theo cách khác, “thiên địch” chính là thuốc trừ sâu của tự nhiên mà con người đã sử dụng từ lâu: cực kỳ tự nhiên mà không hề tốn kém. Một số ví dụ nổi tiếng về “thiên địch” bao gồm: ếch, chim sâu, chuồn chuồn, … Đây là những loài động vật, côn trùng số 1 trong làng diệt sâu bệnh của cây trồng.
——
Nguồn tham khảo:
1. Permaculture, ‘What is Permaculture’ <https://www.permaculture.co.uk/what-is-permaculture>
2. The Ecologist, ‘Beginner’s Guide to Permaculture Gardening’ <https://theecologist.org/2010/mar/30/beginners-guide-permaculture-gardening>
3. Masterclass, ‘How to start a Permaculture garden’ <https://www.masterclass.com/articles/how-to-start-a-permaculture-garden#what-is-permaculture>
——
Bài viết thuộc chuyên mục Lựa Lối – chia sẻ các lựa chọn, thông tin hữu ích để thực hành lối sống xanh trong cuộc sống thường nhật, bắt đầu từ những điều bé nhỏ bền bỉ.