Skip links

Trung thu “vừa xanh vừa vui” tại nhà

“Tết Trung thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường…”

Ngày mai là Tết Trung thu rồi, các bạn đã hay tin chưa? Tuy nhiên, vì đại dịch covid nên chúng ta không thể “rước đèn đi khắp phố phường” được: không thể lên phố đi bộ, dạo quanh khu đồ chơi tại phố Hàng Mã nổi tiếng, …

Thế nhưng, không được đi chơi, ra phố, không có nghĩa là không còn các hoạt động khác để đón Tết Trung thu. Chắc các bố các mẹ còn nhớ thời thơ ấu đón Trung thu của mình, với những trò chơi dân gian hay tự tay làm một chiếc đèn ông sao, đèn lồng và cùng các bạn đi rước đèn. Chính vì thế, các bố mẹ có thể lấy khoảng thời gian này, ôn lại kỷ niệm thời ấu thơ với các con và làm những món đồ chơi, những hoạt động vui chơi ngay tại nhà trong thời gian covid này!

Hôm nay, hãy cùng GreenHub tìm hiểu những cách “vừa xanh vừa vui” để đón Tết Trung thu tại nhà cùng các bé nhé!

Ngoài ra, các bạn hãy để lại ở dưới phần bình luận những kỷ niệm, hoạt động đón Tết Trung thu của mình thuở thơ ấu nhé!

Đặt bánh trung thu ít bao bì nilon

Bánh trung thu là một món ăn không thể thiếu trong những dịp Trung thu. Hơn nữa, đây là món ăn ưa thích của các bé và gần như chỉ xuất hiện trong dịp này. Tuy nhiên, với mục đích bảo quản bánh không bị mốc, trong từng hộp bánh đều chứa ít nhất 2 đồ nhựa: khay nhựa đựng bánh và vỏ bao bì của bánh. Vì thế mà mỗi lần bóc bánh là chúng ta đã thải ra 2 đồ nhựa dùng một lần ra ngoài môi trường.

Vì thế, để hạn chế phát thải nhựa ngoài ý muốn khi sử dụng bánh trung thu, bạn có thể lựa chọn nhãn hàng hoặc loại bánh ít sử dụng bao bì để bảo quản bánh. Việc này sẽ hạn chế tối đa lượng nhựa phát thải ra ngoài các bãi rác, bãi chôn lấp, giảm tác động môi trường.

Tái chế vỏ, chai nhựa thành lồng đèn tại nhà

Chắc hẳn bạn vẫn còn những chai nhựa không dùng đến, đang đợi ngày đem ra thùng rác hoặc đem đi tái chế tại các cơ sở tái chế. Tuy nhiên, chúng vẫn có ích đối bạn, nhất là khi Trung Thu đã đến gần vì chúng có thể biến thành những chiếc lồng đèn vô cùng sặc sỡ để rước đèn đêm Trung Thu.

Để tạo phép “hô biến” chai nhựa thành lồng đèn rất đơn giản, chỉ cần kéo hoặc dao rọc giấy, cắt dọc chai nhựa, một cái que để làm cán lồng đèn và một chút trí tưởng tượng, sáng tạo là bạn đã có ngay một chiếc lồng đèn xinh xinh mà không hề tốn kém!

Làm chiếc đèn ông sao sáng muôn màu

So với Lồng đèn, Đèn Ông sao sẽ cần có chút khó khăn hơn do cần độ tỉ mỉ, chính xác để cân bằng các cánh sao. Thay vì que tre, bạn có thể tái sử dụng ống hút nhựa làm khung của đèn và giấy trắng hoặc giấy màu làm vỏ bên ngoài của đèn.

Bạn hãy chú ý về chiều dài khung sử dụng cho các cạnh của Đèn ông sao, sao cho cân bằng, không quá lệch nhau. Ngoài ra, để trang trí, bạn có thể dùng bút (bút dạ, bút màu) vẽ lên phần giữa và cánh của Đèn ông sao, vừa cá nhân hóa, lại vừa đẹp mắt nữa!

Làm pháo từ hạt bưởi

Chắc hẳn các bố các mẹ còn nhớ trò chơi vô cùng thích thú mà cực kì giản đơn này. Sau khi ăn xong bưởi, hãy giữ lại và phơi khô những hạt bưởi đấy và bạn đã hoàn thành 50% công đoạn làm pháo từ hạt bưởi. Sau đó xâu những hạt bưởi đó thành một chuỗi và buộc vào cán để không bị bỏng trong khi đốt pháo. Trong hạt bưởi có tinh dầu rất thơm, nên khi đốt sẽ có mùi rất dễ chịu, vô cùng thích thú.

Tuy nhiên, các bạn hãy giữ an toàn khi đốt pháo, tránh gây hại cho sức khỏe của mình (như bị bỏng tay, bỏng chân, …). Hơn nữa, bạn nên đốt pháo ở nơi thoáng đãng và tránh sử dụng tại những nơi có vật dụng dễ bắt lửa, dễ cháy. 

——–

Bài viết thuộc chuyên mục Lựa Lối – chia sẻ các lựa chọn, thông tin hữu ích để thực hành lối sống xanh trong cuộc sống thường nhật, bắt đầu từ những điều bé nhỏ bền bỉ.

Explore
Drag