Bạn nghĩ rằng, để bắt đầu với lối sống bền vững, bản thân cần lên kế hoạch, chuẩn bị rất nhiều thứ và vô cùng tốn thời gian. Nhất là khi chúng ta đã quá bận rộn với thời gian đi làm, công việc của bản thân.
Nhưng, bạn nghĩ sao nếu chúng mình nói rằng Mua sắm bền vững không khó và mất thời gian như bạn nghĩ?
Bạn nghe không sai đâu! Mua sắm bền vững không hề khó như chúng ta nghĩ, và chúng có thể được thay đổi bắt đầu từ cách suy nghĩ và tư duy mỗi khi chúng ta đưa ra quyết định mua sắm một món đồ ngoài chợ, siêu thị.
Vậy nên, hãy xách làn đi chợ, mang sẵn túi nilon, túi vải hoặc túi gấp gọn và cùng GreenHub tìm hiểu về những hướng tư duy giúp chúng ta thực hiện Mua sắm bền vững nhé!
Liệu chúng ta có cần nhiều không?
Đôi khi, có quá nhiều thứ cũng không phải là một điều tốt, đồng nghĩa với việc chúng ta cần lưu ý với những đơn hàng của mình. Trước khi chúng ta muốn mua sắm một thứ gì đó – bất kể đó là thực phẩm, đồ dùng hàng ngày, quần áo,… – chúng ta cần suy nghĩ về số lượng mua, thời gian sử dụng và công dụng của chúng trong cuộc sống của mình.
Ví dụ, đối với thực phẩm, đồ ăn, chúng ta có thể quá nhiều so với sức ăn của bản thân và của gia đình, gây thừa đồ ăn. Từ những đồ ăn thừa ấy, khi được vứt tại các bãi chôn sẽ phát thải khí Metan vô cùng độc hại, ảnh hưởng đến môi trường. Tương tự như vậy, chúng ta cũng không muốn những đồ dùng, bộ quần áo mua về và bị lãng quên, không bao giờ sử dụng đến vì không có nhu cầu. Vừa chật chỗ, vừa lãng phí!
Vì vậy, sẽ mất đôi chút thời gian để tìm hiểu “hoàn cảnh” trong nhà đã có những gì, thiếu và cần những vật dụng, đồ ăn gì. Từ đó, chúng ta có thể đưa ra quyết định sáng suốt để mua sắm vừa đủ, tránh lãng phí, giảm tác động môi trường.
Những vật dụng trong nhà đã cần thay thế chưa?
Đối với những vật dụng, đồ điện tử, nếu được mua chính hãng, chúng có thể tồn tại rất lâu mà không phải mất tiền mua mới. Vì thế, để những đồ dùng được hoạt động hết công suất, chúng ta nên thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng đúng cách nhằm phát hiện sớm các hỏng hóc và sửa chữa kịp thời.
Trước khi mua những đồ dùng mới, hãy dành chút thời gian và tự hỏi rằng mình đã thực sự cần thay thế vật dụng đó chưa. Vậy thì khi nào chúng ta có thể mua mới và thay thế những đồ dùng cũ? Chắc hẳn các bạn cũng hình dung được câu trả lời, đó là khi những đồ dùng trong nhà của bạn đã quá “tã” và không thể sửa được nữa, bạn có thể mua mới và thay thế những đồ dùng ấy. Ngoài ra, trước khi vứt những đồ vật, đồ dùng cũ, bạn hãy tìm các phương pháp tái chế đúng cách, ví dụ như trả lại cho Nhà sản xuất hoặc bán lại cho cửa hàng sửa chữa.
Kế hoạch, phương pháp xử lý rác nhựa tại gia:
Các sản phẩm khi mua sẽ thường được bọc trong hoặc đựng trong đồ nhựa, như chai nước, màng bọc nhựa, khay xốp, … giúp bảo quản thực phẩm luôn được tươi mới, tránh những tác động của môi trường.
Đối với màng bọc hoặc khay xốp, đây là những đồ nhựa rất khó để có thể tái chế tại nhà. Hơn nữa, những vật phẩm nhựa này rất độc, có hại cho sức khỏe của chúng ta nếu sử dụng lại hoặc để nơi có nhiệt độ cao. Chính vì thế, chúng ta có thể tránh sử dụng những thực phẩm được bọc trong khay xốp hoặc màng nhựa tối đa nhất có thể.
Đối với chai nhựa (chai nước uống, chai nước giặt, …), bạn có thể tái chế, tái sử dụng chúng một cách dễ dàng, hô biến thành những vật phẩm có ích. Nếu bạn không có biện pháp tái chế, bạn có thể giữ lại những chai nhựa ấy và tham gia vào các chương trình thu gom hoặc đổi nhựa thành quà tại địa phương mình sống.
Tìm hiểu về Trách nhiệm của Nhà sản xuất (NSX) với môi trường
Để thực sự tìm hiểu về doanh nghiệp hay nhà sản xuất là một điều không đơn giản. Nhưng, thời đại ngày nay, công nghệ đã tiên tiến và giúp ích cho chúng ta rất nhiều thứ, trong đó bao gồm cả phương pháp Truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Đối với một số doanh nghiệp tại Việt Nam có thể dễ dàng Truy xuất nguồn gốc với mã QR, giúp chúng ta tìm hiểu thêm các thông tin về nguồn gốc xuất xử của sản phẩm, thông tin về doanh nghiệp, …
Từ việc truy xuất nguồn gốc sẽ giúp chúng ta trả lời các câu hỏi như: cách nuôi trồng có đảm bảo đa dạng tự nhiên không, được trồng tại địa phương hay ở nước ngoài; sản phẩm có thử nghiệm trên động vật không; sản phẩm được vận chuyển từ trong nước hay nước ngoài; …
Nguồn tham khảo:
1. Green Ideal, ’10 Eco Friendly Shopping tips’, <https://greenerideal.com/…/0327-10-eco-friendly-shopping-t…/>
2. Gov.sg, ‘Sustainable shopping tips for every budget’, <https://www.gov.sg/…/sustainable-shopping-tips-for-every-bu…>
——–
Bài viết thuộc chuyên mục Lựa Lối – chia sẻ các lựa chọn, thông tin hữu ích để thực hành lối sống xanh trong cuộc sống thường nhật, bắt đầu từ những điều bé nhỏ bền bỉ.