12 NGUYÊN TẮC THIẾT KẾ PERMACULTURE – CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ BỀN VỮNG

Mô hình nông nghiệp Permaculture xây dựng dựa trên những mối ràng buộc của các quần thể cây và động vật và chu kì vận động tuần hoàn của tự nhiên tại một vùng nhất định, vừa có lợi cho con người mà không tàn phá hệ sinh thái tại vùng đó.”

David Holmgren

Bởi lẽ đó, phụ thuộc vào vị trí địa lý, khí hậu và nhu cầu của địa phương mà mô hình nông nghiệp Permaculture sẽ có những tổ hợp cây khác nhau, những hệ sinh thái khác nhau. Điều này đòi hỏi các “chuyên gia” cần nghiên cứu và thiết kế hệ thống phù hợp với địa phương và khó có thể cóp nhặt từ nơi khác. Mặc dù không có cách thực hiện chung ở góc độ thực tiễn, permaculture được xây dựng và thiết kế dựa theo 12 nguyên tắc phổ quát liên quan chặt chẽ tới các nguyên lý cốt lõi của nó.

12 nguyên tắc thiết kế permaculture là bộ công cụ tư duy, khi được phối hợp với nhau một cách hợp lý, sẽ giúp chúng ta tái thiết kế môi trường sống và hành vi của chúng ta trong thế giới đang dần cạn kiệt năng lượng và tài nguyên thiên nhiên như hiện nay. Mỗi nguyên tắc có thể coi như cánh cửa mở ra hệ thống tư duy, cung cấp từng quan điểm khác biệt, có thể hiểu và áp dụng bằng những chiến lược khác nhau.

1. Quan sát và Tương tác

“Vẻ đẹp nằm trong đôi mắt của kẻ ngắm nhìn”

Việc dành thời gian tương tác và hòa mình với thiên nhiên, nghiên cứu kỹ lưỡng địa hình, chất lượng đất và nguồn nước, chu kỳ nắng, gió, quần thể sinh vật và vi sinh vật là cơ hội để tim hiểu một cách sâu sắc hơn khía cạnh chăm sóc Trái Đất (Earth Care). Khu vực càng được nghiên cứu kỹ lưỡng, các giải pháp được thiết kế càng ít mắc phải sai lầm khi ứng dụng thực tiễn.

2. Thu thập và Lưu giữ năng lượng

Hãy nắm bắt cơ hội khi nó đến

Bằng việc phát triển những hệ thống thu góp tài nguyên trong một thiết kế, chúng ta có thể giảm thiểu nhu cầu sử dụng các tài nguyên khác từ bên ngoài. Năng lượng tích tụ trong sinh khối của cây không những phục vụ được nhu cầu về lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng, cung cấp nơi ẩn náu, mà chính nguồn năng lượng này còn giúp liên tục gia tăng khả năng tích trữ năng lượng của hệ thống. 

3. Thu được sản lượng

Bạn không thể làm việc với cái bụng rỗng được

Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm chính, mô hình permaculture hoàn toàn có thể cung cấp cho bạn những “sản lượng” vật chất và tinh thần khác nữa. Hoa để trang trí hoặc chiết xuất hương liệu, các loại rau gia vị chứa đầy tinh dầu cùng các vị thuốc chữa bệnh, khung cảnh thiên nhiên độc đáo tuyệt vời giúp tâm hồn của bạn được thả lỏng, thậm chí là một cộng đồng cùng hành động, cùng phát triển hướng đến cuộc sống bền vững.

4. Tự điều chỉnh và Chấp nhận phản hồi

Tội lỗi của ông cha sẽ để lại hậu quả tới con cháu bảy đời

Trên thực tế, những hậu quả tiêu cực thường mất nhiều thời gian để nhận ra. Vậy nên chúng ta cần giữ mức tiêu thụ và lượng khí thải của mình nghiêm ngặt, một trong số những biểu hiện của chăm sóc Trái Đất (Earth Care) và chăm sóc con người (People Care) Áp dụng tự điều chỉnh nghĩa là chúng ta xác định cách hoạt động của mô hình permaculture mà chúng ta thiết kế, sau đó ứng dụng và chấp nhận các phản hồi, dù tích cực hay tiêu cực, học hỏi từ đó, sửa đổi và tiếp tục thử nghiệm. Điều này sẽ giúp bạn xác định được mức độ cần thiết của việc trực tiếp tham gia vào hệ thống, tiết kiệm thời gian và tăng mức độ hiệu quả của mô hình này. 

5. Sử dụng và trân trọng tài nguyên và dịch vụ tái tạo được 

Hãy để tự nhiên làm việc của mình

Kiểm soát tự nhiên thông qua sử dụng tài nguyên quá mức và ứng dụng công nghệ cao không chỉ tốn kém mà còn tạo ra những tác động tiêu cực tới môi trường. Hãy tận dụng tốt nhất sự dồi dào của tự nhiên để giảm tiêu thụ và giảm phụ thuộc vào các tài nguyên không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt. Ví dụ ta có thể trồng thêm rau húng quế phủ đất để giảm thoát hơi nước cũng như tiết kiệm nước, trồng thêm tre gần bờ ao để chống xói mòn đất khi mùa mưa tới. 

6. Không thải rác

Không lãng phí, không tham lam

Bằng cách trân trọng và tận dụng tất cả tài nguyên được ban tặng, mọi thứ đều hữu ích. Điều này có nghĩa là không có định nghĩa phế phẩm trong mô hình permaculture, mọi loại chất thải có thể được sử dụng trong một chu trình khác và bằng cách nào đó quay trở lại vòng tuần hoàn của hệ sinh thái, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng và vật nuôi. 

7. Thiết kế từ kiểu mẫu đến chi tiết

Không thể chỉ nhìn cây để đánh giá cánh rừng

Bằng cách lùi lại một bước, ta có thể quan sát những quy luật được lặp đi lặp lại trong tự nhiên và xã hội. Điều này có nghĩa là trước tiên chúng ta nghiên cứu khí hậu, địa hình, nguồn nước, sinh thái để có một cái nhìn tổng quan về khu vực, về cách chúng ta có thể tương tác với đất đai và cộng đồng trong khả năng tự phục hồi, sau đó thiết kế dựa trên những điều đó. Những kiểu mẫu này có thể tạo thành xương sống cho thiết kế của chúng ta, với những chi tiết được bồi đắp dần trong quá trình thực hiện. 

8. Tích hợp thay vì phân tích

Nhiều bàn tay góp sức giúp công việc nhẹ đi

Đặt mọi thứ vào đúng chỗ, những mối quan hệ giữa chúng sẽ nảy nở và hỗ trợ lẫn nhau. Không có yếu tố đơn nào chỉ tương tác duy nhất với một yếu tố khác. Ví dụ: Ta trồng cây sung gần bờ ao với mục đích chính để giữ đất thế nhưng quả sung chín rụng cũng có thể là nguồn thức ăn khác cho cá dưới ao, ngoài ra ta cũng làm một chuồng gà ở dưới tán cây sung gần bờ ao để hạ nhiệt cho chuồng gà. Phân gà và nước ao có thể bón trực tiếp cho vườn rau bên cạnh cung cấp thức ăn cho cá và con người.

9. Sử dụng những giải pháp nhỏ và từ từ

Chậm mà chắc, thắng cuộc đua

Hệ thống chậm và nhỏ thì dễ bảo trì hơn hệ thống lớn, đồng thời tận dụng tài nguyên địa phương tốt hơn và sản xuất ra thành quả bền vững hơn. Thu hoạch một số cây ở rìa rừng để làm hàng rào, trồng thay thế tại đó những cây thân gỗ có thể sống hàng trăm năm, và trồng những cây mới ở hàng rào để có hàng rào mới khi những cây cũ mục đi là một trong số những ví dụ về một hành trình dài, sử dụng nguyên lý giải pháp nhỏ và từ từ.

10. Sử dụng và trân trọng sự đa dạng

Đừng để hết trứng vào một giỏ

Đa dạng sinh học tạo ra các hệ sinh thái lành mạnh. Sự đa dạng về cây trồng, nguồn năng lượng và việc làm, tạo nên sự bền vững cao hơn. Sự đa dạng làm giảm tính dễ tổn thương giữa các nguy cơ khác nhau và tận dụng bản chất độc đáo của môi trường tự nhiên mà ta dựa vào. Tính đa dạng cũng có tính phục hồi: nếu một phần của hệ thống của chúng ta thất bại thì những phần khác sẽ phát triển.

11. Sử dụng các vùng biên và trân trọng vùng cận biên

Đừng nghĩ bạn đi đúng hướng chỉ vì con đường dễ đi

Khoảng giao thoa giữa mọi vật là nơi nhiều sự kiện thú vị diễn ra. Đây thường là nơi chứa những yếu tố quý giá, đa dạng và năng suất nhất trong hệ thống. Chúng ta có thể sử dụng chúng để tạo nên nhiều tầng lớp thực vật có khả năng thu hoạch.

12. Tận dụng và phản ứng với thay đổi một cách sáng tạo

Tầm nhìn không phải là nhìn mọi thứ như chúng là, mà như chúng sẽ trở thành

Chúng ta có thể tác động tích cực lên những thay đổi tất yếu bằng cách quan sát cẩn thận và sau đó can thiệp đúng thời điểm. Sẽ có những vùng được tạo ra ngẫu nhiên bởi thiết kế của chúng ta, và bằng tính sáng tạo, ta có thể tiếp tục thiết kế cây trồng, vật nuôi thích ứng với vùng đó. Kết quả thu được sẽ khiến bạn bất ngờ vì nó hoàn toàn không có trong những hình dung sơ lược của thiết kế ban đầu.

Nguồn tham khảo:

1. Tài liệu Hỗ trợ lồng ghép lối sống sinh thái vào chương trình giáo dục cho thanh niên – Chủ đề: Tìm hiểu về nông nghiệp trường tồn (Permaculture), Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E)

2.https://tuoithongminh.com/phat-trien-mo-hinh-nong-nghiep-ben-vung-voi-he-sinh-thai-permaculture-n102

3. https://www.permaculture.co.uk/articles/what-permaculture-part-2-principle

4. https://permacultureprinciples.com/principles/