ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ VÀ KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP NHÂN RỘNG SƠN LINE- X TRONG PHÁT TRIỂN THUỶ SẢN TẠI QUẢNG NINH

TS. Cao Lệ Quyên1, ThS. Trần Thị Hoa2, ThS. Đinh Xuân Lập3

Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) là một Tổ chức Khoa học Công nghệ thuộc Liên Hiệp các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VUSTA), với nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý các dự án phát triển cộng đồng, quản lý rác thải, nông nghiệp bền vững, tăng cường năng lực và vận động chính sách.

Từ tháng 3 năm 2018, GreenHub triển khai dự án “Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải ở khu vực ven biển phía bắc Việt Nam (viết tắt là Vịnh Xanh)” được tài trợ bởi Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Tập Đoàn Sáng Tạo Phát Triển (DIG), thực hiện tại quần đảo Cát Bà, TP Hải Phòng, và Vịnh Hạ Long, Tỉnh Quảng Ninh.). Nhiều hoạt động của Dự án đã mang lại hiệu quả trong nỗ lực giảm rác thải nhựa, đặc biệt là rác xốp tại Việt Nam. Trong đó, GreenHub đã thực hiện thí điểm mô hình phao xốp phủ vật liệu Sơn line X tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên Vịnh Hạ Long từ tháng 01 năm 2019 nhằm tăng độ bền của phao và hạn chế tác động đến môi trường nước biển trên vịnh.

1. Mục tiêu nghiên cứu

– Đánh giá hiệu quả mô hình thí điểm phao phủ Sơn Line X trong nuôi thủy sản lồng bè tại Quảng Ninh.

– Đánh giá sự tham gia của các bên liên quan vào mô hình thí điểm và vào việc thúc đẩy lồng ghép vào các chính sách/chương trình của địa phương và quốc gia.

– Khuyến nghị giải pháp để duy trì và nhân rộng mô hình.

2. Phương pháp và phạm vi nghiên cứu

2.1. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu chuyên đề này được thực hiện với việc áp dụng các phương pháp nghiên cứu thông dụng như tham vấn ý kiến, thảo luận với các cán bộ và cơ quan quản lý cấp địa phương nơi triển khai dự án như Ban Quản lý vịnh Hạ Long, các Chi Cục, cơ quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT như Chi Cục Thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Sở KHCN tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh; và đại diện cộng đồng người nuôi thuỷ sản lồng bè tại địa điểm triển khai dự án.

Ngoài ra, các thông tin thứ cấp có liên quan đến nội dung nghiên cứu như các chính sách, chiến lược, kế hoạch hành động, đề án phát triển, quy chuẩn kỹ thuật và các nghiên cứu có liên quan cũng được thu thập và phân tích để đúc rút các thông tin đầu vào cho việc nghiên cứu.

2.2. Phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu này tập trung tại các khu vực nuôi thuỷ sản lồng bè trên vịnh Hạ Long – nơi được chọn thí điểm phủ sơn Line X gia cố phao xốp nổi cho các bè thuỷ sản trong phạm vi dự án Vịnh Xanh.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.1. Đánh giá hiệu quả mô hình thí điểm phao phủ Sơn Line X

3.1.1. Hiệu quả về kinh tế

Hiện nay, trên phạm vi vùng lõi của Di sản vịnh Hạ Long còn 53 hộ gia đình nuôi trồng thuỷ sản lồng bè, chủ yếu phục vụ cho mục đích du lịch. Trong đó, có 6 hộ tại khu vực làng chài Cửa Vạn, 32 hộ tại làng chài Vông Viêng, còn lại nằm rải rác ở các khu vực còn lại. Vật liệu nổi lồng bè được các hộ gia đình sử dụng phần lớn là phao phi bơm xốp (chiếm 90%) và phao xốp có bọc bạt (10%).

Trong đó, phao xốp là loại vật liệu có độ bền thấp, dễ bị vỡ, phát tán gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan, hoặc phao phi bơm xốp khi bị sóng gió lớn các chỗ van bơm, mối nối ghép cũng thường bị nứt vỡ làm xốp bên trong thất thoát ra môi trường. Trong giai đoạn 2016 – 2018, GreenHub cùng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, doanh nghiệp du lịch và các tổ chức phi chính phủ khác tổ chức bốn chiến dịch “Hành động vì Hạ Long xanh” ở khu vực Áng Dù và Vụng Hà, Vịnh Hạ Long và đã điều tra, đánh giá được hiện trạng phát thải các loại rác, bao gồm cả rác phao xốp trên vịnh Hạ Long, trong đó năm loại rác được tìm thấy nhiều nhất trên vịnh Hạ Long giai đoạn 2016-2018 như sau:

Thành phần của 5 loại rác thải được tìm thấy nhiều nhất có sự thay đổi về thứ tự và thành phần qua 4 chiến dịch làm sạch bãi biển. Tuy nhiên, rác xốp (chủ yếu là từ phao xốp – là loại vật liệu nổi sử dụng trong nuôi thủy sản lồng bè), một loại nhựa có thành phần hoá học từ polymer polystyrene vẫn là rác thải phổ biến nhất ở Vịnh Hạ Long sau 4 chiến dịch.

Bởi vậy, nhằm thử nghiệm vật liệu gia cố mới làm tăng độ bền của phao xốp sử dụng trong nuôi lồng bè tại đây, dự án Vịnh Xanh (Green Bay) đã thử nghiệm sơn phủ sơn Line X (có nguồn gốc nhập khẩu từ Hoa Kỳ) lên các phao xốp trong 2 đợt: đợt 1, từ tháng 01 – 02/2019 với 20 quả phao; và đợt 2, từ tháng 01/2020 với 50 quả phao.

Kết quả sau gần 2 năm thử nghiệm cho thấy, việc dùng sơn Line X sơn phủ lên các quả xốp đã giúp làm tăng độ cứng, độ bền của các quả phao, giảm được tác động do va đập, hạn chế được vỡ, bong phao. Tuy nhiên, trong đợt 1, do việc sơn phủ chưa có kinh nghiệm nên 1 vài quả xốp bị rách ở mép, do va đập nhiều; nhưng vấn đề này đã được khắc phục trong đợt sơn thử nghiệm thứ 2.

Kết quả tính toán sơ bộ hiệu quả kinh tế cho thấy, việc gia cố vật liệu sơn Line X lên các quả xốp có chi phí tương đương như sử dụng phao phi bơm xốp hiện nay, với mức chi phí khoảng từ 45,5-46 triệu đồng / bè của 1 hộ gia đình với trung bình 12 ô lồng; nhưng so với việc sử dụng phao xốp phủ bạt thì chi phí tăng lên khá cao, gấp khoảng hơn 3,7 lần. Nếu tính theo m2 thì chi phí trung bình cho việc sơn phủ sơn Line X lên các loại vật liệu sẽ vào khoảng 21,46 USD/m2 với độ dày sơn là 1mm và 12,88 USD/m2 với độ dày 0.5mm; như vậy cũng khá cao so với sử dụng bạt HDPE phủ phao, khoảng 2,15 USD – 2,57 USD/1 m2; nhưng lại thấp hơn đáng kể so với sử dụng thùng nhựa composite làm vật liệu nổi, khoảng 244,68 USD/ 1m3 bề mặt sơn.

Chi phí cao hơn so với các vật liệu thông dụng cũng chính là 1 điểm khó khăn của việc nhân rộng mô hình phủ sơn Line X lên các vật liệu nổi nuôi lồng bè quy mô nhỏ tại địa phương.

Bảng 3: So sánh chi phí của việc sử dụng các loại vật liệu nổi khác nhau trong nuôi thuỷ sản lồng bè tại vịnh Hạ Long

Hạng mụcĐV tínhPhao xốp phủ bạtPhao phi bơm xốpPhao phủ sơn Line X (sơn dầy 0.5-0.6 mm)
Đơn giá trung bìnhVNĐ/chiếc (phao kích thước 50cm*60cm*100cm)        350.000      1.400.000      1.300.000
Số lượng phao dùng Chiếc / hộ hoặc bè (trung bình 12 ô lồng)                 35                  33                  35
Tuổi thọnăm                   3                    5                  10
Tổng chi phí phao/hộ VNĐ     12.250.000    46.200.000    45.500.000

Nguồn: Kết quả tham vấn cộng đồng, cán bộ địa phương và doanh nghiệp của dự án Vịnh Xanh (2020).

3.1.2. Hiệu quả về môi trường

Hiệu quả về môi trường của vật liệu nổi trong nuôi lồng bè được thể hiện qua các tiêu chí về: vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, dễ vệ sinh, không gây độc hại cho thủy sản nuôi và không để thủy sản nuôi sống thoát ra môi trường (Điều 34 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết Điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản). Như vậy, căn cứ vào các tiêu chí trên cho thấy, do sơn Line X là vật liệu có tính trơ cao với môi trường, bền vững trong môi trường nước biển nên hạn chế được tác động đến môi trường. Khi sơn Line X thì các quả xốp không bị bung vỡ, làm tăng thời gian sử dụng quả xốp từ 3 năm lên 10 năm nên làm giảm việc sử dụng vật liệu phao xốp đầu vào, hạn chế phát thải rác thải nhựa ra môi trường biển.

Về tiêu chí dễ vệ sinh, bề mặt sơn có độ trơn nhẵn nhất định so với phao xốp phủ bạt nên việc hạn chế bám bẩn có cải tiến hơn, nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, một số người nuôi có phản ánh về việc vẫn có khá nhiều hà bám vào các quả xốp được sơn phủ và thể hiện sự băn khoăn, liệu việc cạo bỏ các lớp hà này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ của sơn hay không. Giải pháp trước mắt có thể đề xuất là người nuôi nên bọc thêm một lớp lưới ở phía ngoài quả phao được phủ sơn Line X để hạn chế hà bám, giúp làm giảm công lao động vệ sinh phao.Ngoài ra, theo đánh giá của các cơ quan quản lý môi trường địa phương thì sơn Line X có nhiều màu nên có thể chọn các màu sơn phù hợp với cảnh quan của vùng Di sản vịnh Hạ Long, vốn đặt vấn đề đảm bảo cảnh quan sạch đẹp là ưu tiên trong phát triển du lịch.

Tuy nhiên, vẫn còn 1 số vấn đề liên quan đến tác động môi trường cần có thêm thời gian và nỗ lực giải quyết của đơn vị cung cấp sơn cũng như dự án Vịnh Xanh.

Thứ nhất, liên quan đến khả năng hoà tan của sơn Line X trong dầu. Trong bối cảnh vịnh Hạ Long luôn có số lượng lớn tàu du lịch hoạt động trên vịnh (trung bình khoảng gần 500 chiếc mỗi ngày) và hàng trăm thuyền cá nhỏ lắp máy thủ công neo đậu (mặc dù không được đánh bắt vì đã có lệnh cấm của Ban Quản lý vịnh), nên sự cố dầu loang đôi khi vẫn xảy ra và có thể tồn tại nhiều ngày trong môi trường vịnh kín. Bởi vậy, cần có thêm thông tin và minh chứng về khả năng hoà tan này.

Thứ hai, về vấn đề thu gom xử lý sơn Line X sau khi hết hạn sử dụng. Do độ trơ của sơn Line X cao nên bền vững với môi trường nước biển, nhưng lại gây khó khăn cho việc xử lý sau này. Và điều này cũng cần thêm các hướng dẫn và thông tin chi tiết từ nhà sản xuất và công ty phân phối.

3.2. Đánh giá sự tham gia của các bên vào mô hình thí điểm và thúc đẩy lồng ghép vào chính sách/chương trình của địa phương, quốc gia

3.2.1. Sự tham gia của các bên liên quan

Dự án Vịnh Xanh và sáng kiến thử nghiệm sơn Line X được triển khai tại tỉnh Quảng Ninh trong bối cảnh chính quyền địa phương đang có định hướng phát triển thuỷ sản hướng ra biển, do các diện tích thuỷ sản ven bờ hiện đang bị suy giảm 40% và có thể sắp tới sẽ giảm nữa để “nhường chỗ” cho các hoạt động đô thị hoá và công nghiệp hoá. Điều này đã được cụ thể hoá trong “Đề án Phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” hiện đang được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng.

Đồng thời, Sở KHCN phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng đang triển khai đề tài nghiên cứu KHCN cấp tỉnh về “Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của các vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản và công bố vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường” (theo Quyết định số 2481/QĐ–UB ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc điều chỉnh tên nhiệm vụ và phê duyệt nhiệm vụ KH&CN), nhằm hướng đến nghiên cứu và lựa chọn được các vật liệu phù hợp và bền vững cho nuôi trồng thuỷ sản lồng bè, cũng như xây dựng được Quy chuẩn địa phương (QCĐP) cho các loại vật liệu nổi nuôi lồng bè. Đề tài KHCN này được triển khai từ năm 2018 và đến nay đang đi đến giai đoạn cuối cùng của việc hoàn thiện và phê duyệt Quy chuẩn địa phương (QCĐP) về “Vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh”.

Ngoài ra, hiện nay trong vùng lõi của Khu Di sản thiên nhiên thế giới nổi tiếng vịnh Hạ Long vẫn còn tồn tại 53 hộ gia đình nuôi trồng thuỷ sản lồng bè, chủ yếu phục vụ cho mục đích du lịch. Để bảo vệ môi trường vịnh và làm đẹp cảnh quan của khu di sản, Ban Quản lý vịnh Hạ Long luôn hoan nghênh các sáng kiến giúp phát triển bền vững các lồng bè nuôi thuỷ sản tại các làng chài và tạo cảnh quan đẹp, hài hoà với không gian chung của di sản. Chưa kể đến gần 10.000 ô lồng, bè nuôi thuỷ sản thương mại khác đang được thực hiện tại các địa phương của tỉnh Quảng Ninh như Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên, Đầm Hà, Móng Cái, Cô Tô, Hải Hà và Tiên Yên (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh, 2019) cũng đang có nhu cầu tìm kiếm các vật liệu nổi bền vững và thân thiện với môi trường biển.

Bởi vậy, dự án Vịnh Xanh đã “xuất hiện” rất đúng lúc và đúng thời điểm; và nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia tích cực của các sở, ban ngành liên quan và cộng đồng tại địa phương vào các hoạt động của dự án trong quá trình hơn 2 năm vừa qua (3/2018-2020). Bằng chứng rõ ràng nhất của sự quan tâm và ủng hộ của các bên liên quan, đặc biệt là phía các cơ quan quản lý và hoạch định chính sách địa phương đối với dự án là việc UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 6419/UBND-MT ngày 05/9/2019 về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thuỷ sản và xây dựng các công trình nổi trên địa bàn tỉnh. Văn bản đã quy định rõ “UBND các địa phương (trong tỉnh) chủ động tổ chức rà soát, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh sống trên biển, trên sông có sử dụng các phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản và xây dựng các công trình nổi; chủ động hướng dẫn, đôn đóc và yêu cầu các tổ chức, cá nhân khẩn trương chuyển đổi thay thế phao xốp bằng các vật liệu bền vững, đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật về vật liệu, thân thiện với môi trường như các phi nhựa, nhựa HDPE, chất lượng compóite, thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2019. Trường hợp sử dụng phao xốp bắt buộc phải phủ lớp sơn Line X lên bề mặt để tăng độ bền của phao xốp, chống chịu va đập, nén, kéo trong quá trình sử dụng”. Đồng thời, các kết quả của mô hình thí điểm của dự án cũng đã được xem xét, tham khảo và làm đầu vào cho việc biên soạn Quy chuẩn địa phương về “Vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh” hiện đang được lấy ý kiến của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, và Bộ Nông nghiệp và PTNT để ban hành trong tháng 7/2020.

Như vậy, có thể thấy các kết quả của mô hình thí điểm trong dự án đã được lồng ghép vào trong các văn bản chỉ đạo điều hành phát triển nuôi trồng thuỷ sản, quy chuẩn kỹ thuật và quản lý môi trường nuôi thuỷ sản biển lồng bè của các cơ quan quản lý địa phương.

3.2.2. Thúc đẩy lồng ghép vào chính sách/chương trình của địa phương, quốc gia

3.2.2.1. Lồng ghép vào Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa ngành thuỷ sản

Ở cấp quốc gia, Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐ) về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg, ngày 04/12/2019 với mục tiêu chính là “bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương” (còn gọi là “KHHĐ 1746”). Như vậy, các loại phao xốp hiện đang được dùng làm vật liệu nổi trong các lồng bè nuôi thuỷ sản với thành phần chính là nhựa từ poly siren giãn nở cũng nằm trong đối tượng điều chỉnh của Kế hoạch hành động này.

Để thực hiện KHHĐ cấp quốc gia (KHHĐ 1746), ngành thuỷ sản đang tiến hành xây dựng “Kế hoạch hành động Quản lý Rác thải nhựa ngành Thủy sản, giai đoạn 2020-2030” và dự kiến sẽ hoàn thành dự thảo KHHĐ thuỷ sản trong tháng 02/2021 để trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt và chỉ đạo thực hiện.

Nội dung của KHHĐ quản lý rác thải nhựa thuỷ sản sẽ tập trung vào việc quản lý và giảm thiểu các loại rác thải nhựa dùng trong khai thác thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản và chế biến thuỷ sản. Trong đó, rác thải nhựa trong nuôi trồng thuỷ sản sẽ bao gồm cả các loại phao xốp hiện đang được dùng làm vật liệu nổi trong các lồng bè nuôi thuỷ sản với thành phần chính là nhựa từ poly siren giãn nở. Bởi vậy, dự án Vịnh Xanh kiến nghị các cơ quan soạn thảo KHHĐ quản lý rác thải nhựa thuỷ sản, mà chủ trì là Tổng cục Thuỷ sản sẽ xem xét, cân nhắc lồng ghép đề xuất sử dụng các vật liệu thay thế vật liệu nhựa trong sản xuất thủy sản. Trong đó, đối với các trường hợp sử dụng phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản lồng bè thì cần phủ lớp sơn Line X hoặc các loại vật liệu phù hợp khác lên bề mặt phao để tăng độ bền của phao xốp, chống chịu va đập, nén, kéo trong quá trình sử dụng.

3.2.2.2. Lồng ghép vào Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa tỉnh Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh hiện đang bắt đầu quá trình xây dựng KHHĐ của tỉnh để thực hiện “KHHĐ 1746” của Thủ tướng Chính phủ về rác thải nhựa đại dương quốc gia (do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì). Với đặc thù là tỉnh ven biển có số lượng ô lồng nuôi thuỷ sản trên biển lớn nhất của khu vực Đồng bằng sông Hồng (khoảng gần 10.000 ô lồng năm 2019) nên lượng phao xốp sử dụng làm vật liệu nổi trong nuôi lồng bè là rất lớn (trung bình mỗi hộ gia đình có khoảng 1 bè nuôi với 12 ô lồng). Nếu không có giải pháp hữu hiệu để thay thế phao xốp hoặc gia cố phao xốp làm tăng độ bền, cứng, chống va đập thì lượng phao xốp sử dụng cho nuôi lồng bè tỉnh Quảng Ninh vẫn sẽ chiếm khoảng 50% số lượng lồng nuôi (50% còn lại sử dụng các vật liệu thay thế như phao phuy, HDPE), và số lượng phao xốp có thể lên đến hơn 10.000 quả xốp. Như vậy, dự án Vịnh Xanh kiến nghị, KHHĐ quản lý rác thải nhựa của Quảng Ninh nên cân nhắc có 01 nội dung về quản lý, kiểm soát việc sử dụng phao xốp, thay thế hoặc gia cố phao xốp trong nuôi lồng bè tại tỉnh Quảng Ninh bằng các vật liệu, phù hợp với các quy định trong Quy chuẩn địa phương về Vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh.

Đồng thời, kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cân nhắc lồng ghép 01 nội dung về nhân rộng việc sử dụng vật liệu gia cố phao xốp trong nuôi thuỷ sản lồng bè như sơn Line X hoặc các vật liệu tương tự vào trong mô hình mô hình quản lý rác thải rắn theo cách tiếp cận tổng hợp, trong phạm vi triển khai KHHĐ của tỉnh.

3.2.2.3. Lồng ghép vào Đề án Phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh

Đề án Phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 hiện đang được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản (VIFEP) là đơn vị tư vấn. Mục tiêu chính của Đề án là đẩy mạnh phát triển thuỷ sản của tỉnh hướng ra biển nhưng vẫn phải đảm bảo bền vững về mặt môi trường, sinh thái. Đề án cũng đưa ra các giải pháp về tuyên truyền, nhân cao nhận thức về bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bền vững, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại trong việc xử lý chất thải, nước thải, rác thải,…trước khi thải ra môi trường; bảo vệ môi trường trong và xung quanh vùng nuôi. Do nuôi thuỷ sản biển lồng bè là một trong những lĩnh vực mũi nhọn của thuỷ sản Quảng Ninh nên dự án Vịnh Xanh kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Đề án cân nhắc lồng ghép thêm 01 giải pháp về nhân rộng việc sử dụng vật liệu gia cố phao xốp trong nuôi thuỷ sản lồng bè ở trong Phần Giải pháp của Đề án. Đồng thời, bổ sung thêm vào Bảng Danh mục các chương trình, dự án, đề án ưu tiên đầu tư trong lĩnh thủy sản đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong Đề án thêm 01 dự án về “Trình diễn, nhân rộng mô hình sử dụng sơn Line X gia cố phao xốp trong nuôi thuỷ sản lồng bè trên biển” trong giai đoạn 02 năm 2021-2022 và giao cho Trung tâm Khuyến Nông tỉnh chủ trì thực hiện dự án trình diễn này.

3.2.2.4. Lồng ghép vào quy định quản lý môi trường trong sản xuất thuỷ sản tại Quảng Ninh

Về việc mở rộng phạm vi áp dụng sơn Line X trong bảo vệ môi trường thuỷ sản, một số ý kiến của các bên liên quan tại địa phương cho rằng, có thể nghiên cứu thử nghiệm việc dùng sơn Line X để sơn phủ các hầm bảo quản sản phẩm trên tàu đánh cá. Hiện nay, nhiều tàu cá, đặc biệt là tàu nhỏ khai thác gần bờ vẫn sử dụng các hầm bảo quản truyền thống được đóng bằng gỗ và được cách nhiệt bằng tấm xốp ép chặt vào vách hầm. Các vách này được đóng chận bằng gỗ tấm dày từ 1,5cm ÷ 2,0cm, thành vách hầm được sơn hoặc phủ bạt. Với cách bảo quản này chất lượng hầm bảo quản đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ cho đá không bị tan chảy và giữ độ lạnh ổn định trong suốt quá trình khai thác. Tuy nhiên, hầm bảo quản truyền thống chỉ giữ được đá từ 10–15 ngày, khi đá tan chảy sẽ làm cho thủy sản bị phân hủy, gây thất thoát đáng kể, khi vào đến bờ hải sản bị xuống cấp và hư hỏng rất nhiều. Bên cạnh đó, tuổi thọ của hầm truyền thống cũng rất ngắn, sau một thời gian sử dụng sẽ bị mất hơi, nên khoảng 5-6 năm buộc phải làm hầm mới.

Bởi vậy, dự án Vịnh Xanh và các cơ quan liên quan của tỉnh Quảng Ninh nên cân nhắc việc thử nghiệm dùng sơn Line X để sơn phủ các hầm bảo quản sản phẩm trên tàu đánh cá để kiểm tra khả năng làm tăng độ bền và khả năng giữ nhiệt của hầm bảo quản truyền thống hiện nay.

Nếu kết quả thử nghiệm tốt thì kiến nghị Sở Nông nghiệp tỉnh cân nhắc để lồng ghép một nội dung về hầm bảo quản sản phẩm có sơn phủ sơn Line X vào Quy định Quản lý đảm bảo môi trường – vệ sinh cho tàu cá và lồng bè nuôi thuỷ sản tại địa phương.

Với đặc điểm là một tỉnh có số lượng tàu thuyền khai thác thuỷ sản lớn trong khu vực đồng bằng sông Hồng, với tổng số 8.460 tàu thuyền các loại cả khai thác gần bờ, vùng lộng và vùng khơi (số liệu năm 2018) thì việc thử nghiệm áp dụng sơn Line X trong sơn phủ hầm bảo quản sẽ có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường và giảm tổn thất sau thu hoạch tại địa phương.

Ngoài ra, với các kết quả tích cực đạt được từ việc thử nghiệm áp dụng sơn Line X gia cố phao xốp trong nuôi thuỷ sản lồng bè trên vịnh Hạ Long trong gần 2 năm qua, dự án Vịnh Xanh kiến nghị Sở Nông nghiệp tỉnh cân nhắc để lồng ghép một nội dung liên quan đến gia cố phao xốp bằng sơn Line X trong Quy định Quản lý đảm bảo môi trường – vệ sinh cho tàu cá và lồng bè nuôi thuỷ sản tại địa phương, dự kiến sẽ được tỉnh xây dựng trong thời gian tới.

3.2.2.5. Lồng ghép vào nhiệm vụ Điều tra rác thải nhựa ngành thuỷ sản

Nhằm cung cấp thông tin đầu vào cho việc xây dựng KHHĐ quản lý rác thải nhựa ngành thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT hiện đang chỉ đạo triển khai nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa (lĩnh vực thuỷ sản)” trong thời gian 2 năm 2020-2021, và giao cho Viện Kinh tế và Quy hoạch (VIFEP) chủ trì thực hiện. Nhiệm vụ điều tra này bao gồm 6 nội dung chính: 1) Điều tra đánh giá hiện trạng chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất thủy sản; 2) Xây dựng dự thảo Kế hoạch Quản lý và kiểm soát chất thải nhựa trong ngành thủy sản; 3) Đánh giá tác động của chất thải nhựa tại các khu bảo tổn biển, cộng đồng dân cư ven biển và trong hoạt động sản xuất thủy sản ven biển; 4) Đề xuất giải pháp và chính sách tăng cường hiệu quả công tác quản lý, phân loại, thu gom, tái sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất thủy sản; 5) Xây dựng các mô hình thu gom, phân loại, tái sử dụng, quản lý và kiểm soát chất thải nhựa trong sản xuất thủy sản; và 6) Truyền thông nhân rộng mô hình thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong thủy sản. Trong đó, nội dung số 4 tập trung vào “đề xuất giải pháp và chính sách…” có nội dung đề xuất những vật liệu thay thế vật liệu nhựa trong sản xuất thủy sản. Bởi vậy, dự án Vịnh Xanh kiến nghị VIFEP và Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét cân nhắc, đề xuất việc sử dụng vật liệu gia cố phao xốp trong nuôi thuỷ sản biển lồng bè là sơn Line X hoặc các loại vật liệu tương tự phù hợp khác vào trong Nội dung số 2, số 4, số 5 và số 6 của nhiệm vụ điều tra. Đồng thời, khi xây dựng và ban hành chính sách quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất thuỷ sản sẽ cân nhắc lồng ghép nội dung về sử dụng vật liệu gia cố phao xốp trong nuôi thuỷ sản biển lồng bè.

3.3. Khuyến nghị giải pháp duy trì và nhân rộng mô hình

Quảng Ninh là tỉnh ven biển có số lượng lồng bè nuôi thuỷ sản lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Hồng (khoảng gần 10.000 ô lồng các loại), nhưng phần lớn là nuôi ở vùng biển mở nên dễ bị ảnh hưởng bởi bão, gió, lốc dễ gây hư hỏng phao xốp, và các công trình nuôi. Bởi vậy, các vật liệu sử dụng để làm phao nổi hoặc gia cố phao xốp nổi trong nuôi thuỷ sản lồng bè cũng phải có mức độ bền vững cao với bão, lốc. Tuy nhiên, đối với sơn Line X thì trong gần 2 năm vừa qua mới chủ yếu thực hiện thí điểm ở tại trong vùng lõi của vịnh Hạ Long, là địa điểm có điều kiện thử nghiệm lý tưởng, ít sóng gió nên vẫn còn thiếu cơ sở thực tiễn để chứng minh độ bền và mức chịu đựng của sơn trong điều kiện biển hở, sóng, gió lớn, tác động cao. Bởi vậy, Chi Cục Thuỷ sản Quảng Ninh kiến nghị dự án Vịnh Xanh nên tiếp tục có mô hình thử nghiệm tại vùng biển mở của tỉnh như các vùng biển của vịnh Bãi Tử Long hoặc khu vực Vân Đồn trong thời gian còn lại của dự án.

Theo dự thảo Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 hiện đang được Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng, định hướng phát triển thuỷ sản của tỉnh là sẽ hướng ra biển với các hoạt động nuôi lồng bè lớn theo quy mô công nghiệp, hiện đại với mức độ tự động hoá cao, phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030. Như vậy, càng hướng ra các vùng biển mở thì tác động của thiên tai và thời tiết như sóng gió lớn, giông lốc sẽ càng nhiều. Đồng thời trong bối cảnh hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu nên các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão lớn diễn ra với tần suất ngày càng nhiều tại vùng biển Quảng Ninh, làm phá hỏng, trôi dạt các phao nổi trên các vùng biển, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, ô nhiễm vùng nuôi. Bởi vậy, các yêu cầu về vật liệu sử dụng làm phao nổi cho các phương tiện nuôi (lồng bè, bè giàn) càng cần phải có độ bền cao, chịu được sóng gió, ít ảnh hưởng đến môi trường và đòi hỏi khối lượng, số lượng phao nổi lớn hơn rất nhiều so với nuôi quy mô nhỏ ven bờ. Nói cách khác là các vật liệu đó cần phải đáp ứng được yêu cầu của quy mô nuôi lồng bè công nghiệp, hiện đại với quy mô hàng hoá lớn và số lượng lớn.

Phân tích như vậy để thấy rằng, với trường hợp của sơn Line X, với ước tính chi phí và phạm vi thử nghiệm như trong gần 2 năm vừa qua thì có vẻ như việc áp dụng sơn Line X chỉ phù hợp với các mô hình nuôi thuỷ sản lồng bè quy mô nhỏ ven bờ như trường hợp tại vịnh Hạ Long, hoặc ven bờ của khu vực Cẩm Phả, ven bờ Tiên Yên, ven bờ Quảng Yên, và khó có thể áp dụng được với các mô hình nuôi công nghiệp hiện đại ở các vùng biển hở như khu vực xa bờ của vịnh Bãi Tử Long, xa bờ của Móng Cái hoặc Cô Tô, Thanh Lân. Với các mô hình nuôi quy mô nhỏ ven bờ như vậy, người nuôi có thể thiết kế phao xốp theo kích cỡ mà mình mong muốn, phù hợp với quy mô và khả năng đầu tư, còn với nuôi biển quy mô công nghiệp, hiện đại thì việc sử dụng vật liệu phao nổi bằng HDPE sẽ phù hợp và khả thi hơn.

Tuy nhiên, với số lượng ô lồng thuỷ sản ven bờ vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn tại tỉnh Quảng Ninh thì việc mở rộng áp dụng sơn Line X vẫn còn rất nhiều tiềm năng, đặc biệt là khi các khuyến nghị lồng ghép vào các chương trình, dự án ở cấp trung ương và địa phương được đề xuất phía trên được đưa vào thực hiện.

Để thúc đẩy việc duy trì và nhân rộng mô hình sử dụng sơn Line X gia cố phao xốp mang tính khả thi tại Quảng Ninh thì nhà sản xuất/phân phối sơn Line X cần phối hợp dự án Vịnh Xanh tiến hành công bố hợp quy sản phẩm này theo các quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 và Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, và các quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ mặn tại Quảng Ninh, dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 7-8/2020.

Ngoài ra, hiện nay ở cấp Trung ương mới chỉ có Quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) về nuôi cá lồng bè nước ngọt (QCVN 02-22:2015/BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt – Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường), mà chưa có QCVN cho nuôi thuỷ sản lồng bè nước mặn. Bởi vậy, dự án Vịnh Xanh khuyến nghị cơ quan quản lý thuỷ sản cấp Trung ương là Tổng cục Thuỷ sản cân nhắc, xem xét để xây dựng và ban hành QCVN cho nuôi thuỷ sản lồng bè nước mặn, và lồng ghép nội dung quy định về vật liệu sử dụng để làm phao nổi, hoặc gia cố phao nổi trong công trình nuôi lồng bè nước mặn đảm bảo tính bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường.

Cuối cùng, để mở rộng phạm vi áp dụng của sơn Line X trong sản xuất thuỷ sản bền vững, dự án Vịnh Xanh và tổ chức Green Hub nên tiếp tục tìm kiếm các nhà tài trợ để hỗ trợ việc mở rộng pha 2 của dự án, nhằm mở rộng thử nghiệm sơn Line X sang các công trình, thiết bị thuỷ sản khác như sơn phủ hệ thống thiết bị sinh sản giống tôm, cá như bể đẻ, bể ương, hoặc sơn phủ các hầm bảo quản sản phẩm trên tàu đánh cá,…

KHUYẾN NGHỊ

Để thúc đẩy việc duy trì và nhân rộng mô hình sử dụng sơn Line X gia cố phao xốp trong nuôi thuỷ sản lồng bè tại Quảng Ninh, cũng như nhân rộng ra các địa phương có điều kiện tương đồng, dự án Vịnh Xanh xin kiến nghị như sau:

– Kiến nghị Tổng cục thuỷ sản xem xét lồng ghép vào “Kế hoạch hành động Quản lý Rác thải nhựa ngành Thủy sản, giai đoạn 2020-2030” nội dung về: “Đề xuất sử dụng các vật liệu thay thế vật liệu nhựa trong sản xuất thủy sản: đối với các trường hợp sử dụng phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản lồng bè thì cần phủ lớp sơn Line X hoặc các loại vật liệu tương tự, phù hợp khác lên bề mặt phao để tăng độ bền của phao xốp, chống chịu va đập, nén, kéo trong quá trình sử dụng”.

– Kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh xem xét lồng ghép vào “Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa tỉnh Quảng Ninh” 02 nội dung về: i) Quản lý, kiểm soát việc sử dụng phao xốp, thay thế hoặc gia cố phao xốp trong nuôi lồng bè tại tỉnh Quảng Ninh bằng các vật liệu, phù hợp với các quy định trong Quy chuẩn địa phương về Vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh; và ii) Nhân rộng việc sử dụng vật liệu gia cố phao xốp trong nuôi thuỷ sản lồng bè như sơn Line X hoặc các vật liệu tương tự vào trong mô hình mô hình quản lý rác thải rắn theo cách tiếp cận tổng hợp, trong phạm vi triển khai KHHĐ của tỉnh.

– Kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh xem xét lồng ghép vào “Đề án Phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” 02 nội dung sau: i) bổ sung thêm 01 giải pháp về sử dụng vật liệu gia cố phao xốp trong nuôi thuỷ sản lồng bè ở trong Phần Giải pháp của Đề án; ii) bổ sung thêm vào Bảng Danh mục các chương trình, dự án, đề án ưu tiên đầu tư trong lĩnh thủy sản đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong Đề án thêm 01 dự án về “Trình diễn, nhân rộng mô hình sử dụng sơn Line X gia cố phao xốp trong nuôi thuỷ sản lồng bè trên biển” trong giai đoạn 02 năm 2021-2022 và giao cho Trung tâm Khuyến Nông tỉnh chủ trì thực hiện dự án trình diễn này.

– Kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh cân nhắc để lồng ghép một nội dung liên quan đến gia cố phao xốp bằng sơn Line X trong Quy định Quản lý đảm bảo môi trường – vệ sinh cho tàu cá và lồng bè nuôi thuỷ sản tại địa phương, dự kiến sẽ được tỉnh xây dựng trong thời gian tới.

– Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT thông qua Viện Kinh tế và Quy hoạch (VIFEP) lồng ghép vào nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa (lĩnh vực thuỷ sản)” 02 nội dung về: i) Đề xuất việc sử dụng vật liệu gia cố phao xốp trong nuôi thuỷ sản biển lồng bè là sơn Line X hoặc các loại vật liệu tương tự phù hợp khác vào trong Nội dung số 2, số 4, số 5 và số 6 của nhiệm vụ điều tra; ii) Lồng ghép trong chính sách quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất thuỷ sản nội dung về sử dụng vật liệu gia cố phao xốp trong nuôi thuỷ sản biển lồng bè.

– Kiến nghị Sở KHCN và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh hỗ trợ và tạo điều kiện cho dự án Vịnh Xanh phối hợp cùng nhà phân phối sơn Line X thực hiện thành công việc công bố hợp quy nguyên vật liệu và sản phẩm sơn Line X.

– Kiến nghị về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất sơn Line X về việc thu hồi, xử lý các phao phủ sơn hết hạn sử dụng. Kiến nghị nhà sản xuất và nhà phân phối sơn Line X có hướng dẫn cụ thể, chi tiết cho địa phương trong việc thu hồi và xử lý phao xốp sau khi hết hạn sử dụng.

Lời cảm ơn

Kết quả nghiên cứu này được xây dựng trong khuôn khổ dự án: Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải ở khu vực ven biển phía bắc Việt Nam, tài trợ bởi Tổ chức Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Tập Đoàn Sáng Tạo Phát Triển (DIG). Các quan điểm trong báo cáo thuộc trách nhiệm của các tác giả và không phản ánh quan điểm của USAID và DIG.

Tài liệu tham khảo

  1. Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg, ngày 04/12/2019.
  2. Sở KHCN tỉnh Quảng Ninh (2019), Nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của các vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản và công bố vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường, Đề tài KHCN cấp tỉnh.
  3. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh (2019), Đề án Phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
  4. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ninh (2020), Thuyết minh dự thảo “Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh”.
  5. Viện Kinh tế và Quy hoạch (VIFEP, 2020), Thuyết minh nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường và đề xuất giải pháp kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa (lĩnh vực thuỷ sản)”.
  6. QCVN 02-22:2015/BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt – Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

 


[1] Chuyên gia tư vấn về Nuôi trồng thuỷ sản và Môi trường, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản (VIFEP). Email: [email protected]

[2] Giám đốc GreenHub. Email: [email protected]

[3] Phó Giám đốc ICAFIS. Email: [email protected]