Hành trình CHẬM của những nữ-giám-đốc dân tộc thiểu số

Bén duyên với những dự án hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế từ những ngày đầu thành lập GreenHub, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên mỗi lần tiếp xúc với những con người mới, những chủ doanh nghiệp, nữ doanh nhân trong từng dự án chúng tôi triển khai. Họ là những con người đầy nội lực, luôn khát khao phát triển sinh kế bền vững mà vẫn gìn giữ văn hóa tộc người, bảo tồn thiên nhiên. Đồng hành cùng họ trên chặng đường đó, nếu phải dùng một từ để miêu tả, chúng tôi sẽ chẳng ngần ngại mà chọn từ CHẬM.

THẬT…CHẬM

Đúng vậy, làm việc cùng những phụ nữ dân tộc thiểu số, chúng tôi luôn tự nhủ với bản thân phải thật chậm. Bởi lẽ không phải họ không hiểu những điều như kế hoạch kinh doanh, doanh số bán hàng, chiến lược marketing,… mà là chúng tôi cần truyền đạt một cách chậm rãi và dân dã nhất. Có lẽ đối với một nhóm sinh viên khởi nghiệp, một bài học có thể dạy nhanh chóng trong 1 tiếng thì đối với nhóm này chúng tôi cần đến 1 buổi để họ dần “thấm” được những điều chúng tôi muốn nói. Nhưng nhìn họ thảo luận hăng say, chăm chú ghi chép, chúng tôi lại dần vỡ ra được thế nào là “sống chậm”.

Thật…chậm ở đây không chỉ là tốc độ làm việc cùng với những nữ-giám-đốc này, mà còn là bên cạnh phong thái làm việc chậm rãi, họ còn làm việc rất thật. Thật trong cách nói chuyện, thật trong suy nghĩ, thật trong từng sản phẩm mà họ làm ra. Sản phẩm của họ là nấm hữu cơ thì chắc chắn là nấm nuôi trồng hữu cơ, là rau sạch thì chắc chắn không có nửa giọt hóa chất, hay là chè sạch thì chắc chắn không có chút nào hóa chất được tẩm vào. Họ luôn san sẻ với chúng tôi những suy nghĩ rất thật, rằng bán được nhiều sản phẩm là họ vui rồi, khách hàng quay lại là họ vui rồi, hay “vui vì hôm nay có 1L, mai vui hơn vì có 5L”.

CHẬM mà CHẮC

“Muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau” – câu nói phù hợp nhất để nói về những hộ kinh doanh cá thể, các đơn vị kinh doanh, hợp tác xã phụ nữ dân tộc thiểu số mà chúng tôi hỗ trợ. Họ không đi nhanh, không đưa sản phẩm của mình trở thành đại trà trên thị trường, mà họ tiếp cận khách hàng theo một cách chậm rãi mà chắc chắn, tiếp thị sản phẩm theo một cách từ tốn mà sâu lắng. Một phần có lẽ do họ không đủ lực để sản xuất sản phẩm với số lượng lớn, và những sản phẩm thủ công, bản địa thường khó cạnh tranh với những đồ dùng đại trà giá rẻ, mẫu mã đa dạng hiện nay. Vậy nên họ lựa chọn hành trình tuy chậm mà chắc, chạm đến trái tim khách hàng, đến những người tiêu dùng khó tính đang ngày càng tìm về những sản phẩm tinh tế và ý nghĩa.

Có thể họ chẳng nắm được cách tính giá cả sản phẩm, bán sao để không “lấy công làm lãi”, và luôn bán sản phẩm với mức giá khó có thể hòa vốn, thì họ vẫn luôn dùng sự chân thành và đôn hậu của mình để thậm chí trao tặng khách hàng những món quà nhỏ, hay giảm giá “vì em dễ thương”. Dù câu chuyện kinh doanh của họ đi chậm hơn những người khác, nhưng sự phóng khoáng và tình cảm lại giúp họ luôn được người tiêu dùng ghi nhớ hơn, và giúp mỗi bước đi chắc chắn hơn, từ chậm đến chạm tới niềm tin khách hàng.

Nhưng không CHẬM mãi

“Đi chậm” không khiến họ thụt lùi, hay bị bỏ lại phía sau, bởi với lòng quyết tâm và khát khao đạt tới thành công luôn thuần khiết của họ, chúng tôi tin những người phụ nữ dân tộc thiểu số này sẽ còn làm được nhiều hơn như thế. Họ không cần phải phát triển kinh doanh như vũ bão, với doanh thu hàng nghìn tỉ một năm, cũng không cần nhà lầu xe hơi, họ chỉ cần một cuộc sống ấm no, sinh kế bền vững, thu nhập ổn định. Thậm chí có những nhóm còn chia sẻ với chúng tôi, việc họ thành lập homestay là bởi muốn gìn giữ và lan tỏa các giá trị truyền thống của dân tộc họ, hay họ khởi sự kinh doanh vì ước mong nhiều người hơn nữa được sử dụng nông sản sạch trong mỗi bữa ăn. Vì lẽ đó nên dù cho họ có đi từng bước thật chậm, chúng tôi tin họ sẽ không chậm mãi, bởi nội lực cộng đồng là một điều rất mạnh mẽ và bùng nổ, đoàn kết luôn đem lại một sức mạnh to lớn, hoạt động kinh doanh của họ sẽ ngày càng phát triển và mang lại cho họ những niềm hạnh phúc.

Niềm hạnh phúc này lan tỏa tới cả chúng tôi – những con người đầy “may mắn” luôn được tiếp xúc với nguồn năng lượng tràn đầy, tình cảm chan chứa của họ. Với sứ mệnh kết nối cộng đồng để thực hành sản xuất xanh và bảo tồn thiên, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục vững tin trên hành trình này – hành trình kết nối nhóm dân tộc thiểu số (nhóm luôn bị coi là yếu thế trong xã hội) với những nguồn lực hiện hữu xung quanh nhằm cùng nhau phát triển sinh kế bền vững.

Dù hành trình này có bao nhiêu trở ngại và chậm hơn những điều khác, chúng tôi vẫn đồng hành cùng bà con trên con đường xa này để mở rộng cơ hội kinh tế, tăng cường tiếng nói và vai trò lãnh đạo của họ, cải thiện khả năng chống chịu trước những trở ngại cũng như vì một Việt Nam xanh hơn, bình đẳng hơn.

Bạn sẽ bước đi cùng chúng mình chứ?

——-

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Thúc đẩy doanh nghiệp nữ Lào Cai mở rộng kinh doanh do Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai thực hiện, Công ty Hỗ trợ Phát triển Xanh tư vấn kỹ thuật. Dự án thuộc dự án GREAT được Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số