Skip links

[/HēRōS/: ZERO – ANH HÙNG 0] Hội phụ nữ Khu phố 5 Phường Hồng Hải

“Ban đầu các cô cũng có ít người ủng hộ lắm, thậm chí là cười đùa, nhận xét là “đang làm chuyện bao đồng” hay “đã là hội phụ nữ còn đi thu gom rác thải, thu gom phế liệu”.” Đó là lời chia sẻ về những trải nghiệm ban đầu có đôi phần khó khăn trong hành trình lan tỏa lối sống xanh của cô Lê Thị Minh Huệ-Chi trưởng Hội phụ nữ (HPN) Khu phố 5, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long.

Nhưng không vì vậy mà các cô để tâm những lời nói đó hay là nản chí. Xuất phát từ tầm nhìn cao cả “Vì 1 Hạ Long xanh, vì một thế giới không còn rác thải nhựa”,các cô thuộc HPN Khu phố 5 mỗi tháng 1 lần sẽ tổ chức thu gom và phân loại rác thải giữa các hộ gia đình trong khu, rồi sau đó sẽ đem bán, gây quỹ để đem đi thăm hỏi những hộ gia đình còn gặp phải hoàn cảnh khó khăn hoặc dùng vào các hoạt động cộng đồng khác. Và giờ công việc thu gom rác thải nhựa đã có rất nhiều người cùng tham gia và chung tay góp sức, bởi những gì các cô đang làm quả thực là một điều rất có ý nghĩa!

Đứng trước thực trạng rác thải và rác thải nhựa tràn lan khắp nơi, HPN khu phố 5 phường Hồng Hải đã tiên phong trong công tác chủ động và tích cực cải thiện tình trạng rác thải nhựa. Các cô tham gia tổ chức tập huấn về cải thiện tình trạng rác thải nhựa rồi xây dựng một nhóm phụ nữ nòng cốt bao gồm các cô tổ trưởng, tổ phó trong các chi hội phụ nữ, và ban đầu cũng chỉ có tầm 20 người. Tuy những bước đi ban đầu còn rất khó khăn nhưng HPN quyết tâm triển khai, trực tiếp đến từng hộ gia đình vận động, thu gom từng vỏ lon bia, từng bìa giấy, chai nhựa nhỏ,… Sự nỗ lực nhỏ mỗi ngày đã tạo sự lan tỏa lớn đến những người xung quanh, với tổng cộng 572 phụ nữ cán bộ HPN nòng cốt toàn thành phố tham gia tập huấn (197 phụ nữ trong năm 3, 200 phụ nữ trong năm 2 và 175 phụ nữ trong năm 1)

Dần dần sau các tháng, khi đã có một nguồn kinh phí hoạt động ổn định cùng sự vào cuộc theo sự chỉ đạo của HPN là phân loại rác thải theo từng hộ gia đình thì hoạt động này đã thu hút được sự chú ý của rất nhiều người. “Điều quan trọng là phải tạo được ý thức cho người phụ nữ biết phân loại rác thải tại gia đình trước. Sau đó những loại rác thải có thể gom được như rác hữu cơ từ rau củ quả đem đi làm phân bón hay các loại phế liệu nhựa như vỏ lon, vỏ chai,…thì sẽ tích lại. Rồi đến tuần tập kết, thường là vào chiều Chủ Nhật tuần cuối cùng mỗi tháng thì các hộ gia đình sẽ tập kết rác và đem đến nhà tổ trưởng hay điểm phân loại rác để xử lí.” – cô Huệ kể. Và giờ trên toàn địa bàn phường Hồng Hải, HPN đã huy động được hơn 200 hộ gia đình tham gia, mọi người đều rất vui vẻ và phấn khởi khi được đóng góp vào hoạt động tập thể mang tính thiết thực cao này.

Cô Huệ kể rằng trong quá trình thu gom rác thải của mình cũng có những lúc vui và cũng có những lúc buồn. Các con số luôn hiện lên trước mỗi chúng ta, và chúng phản ánh một phần thực trạng sử dụng nhựa đáng buồn ở Việt Nam. Và sau mỗi lần thu gom, tập kết rác thì rác nhựa luôn là loại rác nổi bật nhất, đặc biệt là các loại lon nước ngọt, với tổng cộng 92.487kg nhựa tương đương 2.802.664 chai nhựa. Đương nhiên là trước những con số khổng lồ như vậy, người dân thành phố Hạ Long không thể đứng chờ cho chúng tiếp tục tăng lên. Cho đến giờ, sau 3 năm, chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực cho Hội Phụ nữ Thành phố Hạ Long trong công tác xây dựng kế hoạch chiến lược giảm thiểu rác thải sinh hoạt và đồ nhựa dùng một lần” của dự án Plastic Action Network đã có tổng cộng 28.993 các cô HPN thành phố Hạ Long tham gia.

Sau mỗi một lần gom rác thì HPN Khu phố 5 sẽ gây quỹ bằng cách bán những chai nhựa, đồ nhựa đã thu gom được và trích một phần cho vào con lợn đất. Số tiền thu được tuy không nhiều, nhưng cũng là nguồn động viên, giúp đỡ cho những ai còn đang trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Mỗi năm đến dịp 20/10 thì HPN sẽ đập con lợn và dùng số tiền để đi thăm hỏi các cô em và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Một phần còn lại thì sẽ được cho vào quỹ hoạt động của hội. Các hoạt động của hội bao gồm thăm hỏi các trẻ em vượt nghèo, vượt khó mỗi đợt năm học đến hay thăm hỏi các chú bộ đội, thương binh cùng vô số các hoạt động khác. Trước kia khi không có đủ tiền cho quỹ thì phải tổng động viên mỗi người 1.000 VNĐ, nhưng từ khi có hoạt động thu gom rác thì hội không phải tổng động viên nữa và số tiền đã tăng từ 200.000 VNĐ lên khoảng 300-500.000 VNĐ trích quỹ mỗi lần thăm hỏi động viên. Không những thế mà số tiền này còn có thể dùng để hỗ trợ ăn trưa cho các hội viên mỗi đợt họp 8/3 hay 20/10. Quả thực một hành động tuy nhỏ như vậy nhưng khi chung tay góp sức vào làm, đã đem lại rất nhiều ý nghĩa to lớn tới không chỉ môi trường xung quanh mà còn tới những con người trong hoàn cảnh thiếu may mắn.

Explore
Drag