Skip links

/HēRōS/: ZERO – ANH HÙNG 0 – Số thứ 25

Bạn có từng thắc mắc, chiếc lá có phải tập xanh?

Bạn đang tự mình “vật lộn” gỡ rối tơ lòng trên hành trình tập xanh của chính mình?

Ngày hôm nay, hãy ngồi lại đây, để GreenHub và ba chiếc lá non – những gương mặt “tuy lạ mà quen” sẽ chia sẻ những trải nghiệm, bài học của mình từ thay đổi nhận thức đến hành vi, để xem chiếc lá đã và đang tập sống Xanh như thế nào nhé!

Việc sống xanh của bọn mình chỉ mới ở những bước đầu tiên, cũng là cái mà có lẽ rất nhiều người đã thực hành rồi, ví dụ như là sử dụng bình nước mà mình tự mang đi, từ chối sử dụng ống hút khi đi cà phê, cả việc hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi siêu thị nữa. Hồi trước khi mình đi mua sắm ở Lotte mart, gia đình mình đã mua rất nhiều đồ. Để đựng được hết thì chắc chắn sẽ cần rất nhiều túi ni lông. Vậy nên mình đã quyết định lựa chọn mua luôn một chiếc túi Eco bag siêu to khổng lồ làm từ nhựa PP – là một loại nhựa tính ứng dụng cao, an toàn và đc khuyến khích nên sử dụng. Mỗi lần đi siêu thị thì mình đều sử dụng chiếc túi đó thay vì đem theo những chiếc túi ni lông về nhà. Nếu trong tình trạng không thể không sử dụng túi ni lông, thì mình sẽ mang về và tái sử dụng lại cái túi đó cho đến khi không thể sử dụng được nữa thì thôi. 

Có một điều mà mình cảm thấy khá là có cảm giác thành tựu: đó là việc giảm thiểu mua đồ trên Shopee. Tại vì thực chất việc mua đồ trên Shopee thật sự rất tiêu hao tài nguyên môi trường. Khi mình mua đồ trên Shopee, mình thường áp dụng rất triệt để bước Rethink trong mô hình 5R. Nghĩa là trước khi mình mua cái gì thì mình cũng sẽ suy nghĩ và cân nhắc cẩn thận xem là mình có thực sự cần nó không, thay vì bị cuốn vào vòng xoáy khuyến mại 1000 đồng, mã Freeship, và cả chương trình Flash Sale. Mình nhận thức được là các bạn trẻ tầm tuổi mình bây giờ rất dễ bị rơi vào hội chứng FOMO, có nghĩa là “Fear of missing out”. Đó là khi bạn sẽ luôn cảm thấy sợ hãi việc mình phải bỏ qua những deal giá hời trong khi bạn bè mình lại có được nó. Như một hệ lụy nghiêm trọng thì bạn sẽ lại bị cuốn vào vòng xoáy mua sắm điên cuồng, và sau một thời gian các bạn sẽ vứt bỏ chúng rất nhanh, vì những sản phẩm được bán với giá quá rẻ thì khó mà có thể sử dụng bền lâu. Chính điều đó thực sự đang hủy hoại môi trường với tốc độ rất nhanh chóng và đáng sợ. 

Bên cạnh những việc mà mình đã chia sẻ thì mình nghĩ rằng, khó khăn lớn nhất chính là bản thân chúng ta chưa được trang bị kỹ càng các kiến thức về rác thải, về nhựa, về những cái sản phẩm mà chúng ta đang sử dụng. Chúng ta cũng không phân biệt được là sản phẩm nào cần tiết giảm, hay sản phẩm nào cần phải loại bỏ (ví dụ như các sản phẩm nhựa thì cũng có nhựa tốt và nhựa xấu, không phải cứ là nhựa thì chúng ta sẽ không sử dụng), sản phẩm nào có thể tái sử dụng, cách phân loại rác, và cả việc phân loại ra những rác thải có thể tái chế được,.. Tổng kết lại thì có khá nhiều vấn đề mà chúng ta cần tìm hiểu để có thể thực hành sống xanh. Và với cá nhân mình thì quỹ thời gian của bản thân mình cũng có hạn, vẫn phải ưu tiên tập trung vào bản thân, rồi còn có cả những nỗi lo âu vì chuyện cơm áo gạo tiền,… Nên đối với mình thì việc sống xanh vẫn còn rất nhiều thách thức.

Mình không chắc bản thân mình có thật sự hiểu đúng và hiểu đủ hết về khái niệm sống xanh và tất cả những khía cạnh giá trị mà sống xanh mang lại hay chưa. Bởi để trở thành người sống xanh, chúng mình phải trọn vẹn khá nhiều yếu tố, như cách ăn uống, mua sắm, mặc đồ, cách chúng mình ứng xử với thiên nhiên, môi trường, hay việc chúng ta tác động đến mọi người xung quanh như thế nào,… Vậy nên mình chỉ dám nhận bản thân là một người đang “trong quá trình tìm hiểu” và cố gắng học hỏi cũng như theo đuổi lối sống xanh, giảm thiểu tối đa tác động có hại đến môi trường. Ở cấp độ cá nhân, mình đang thực hành sống xanh dần dần từ những điều nhỏ bé nhất mà mình được biết, thay đổi những cái xấu mà trước đây vì không quan tâm, không để ý. Mình nhận thấy là có vẻ như trong tất cả chúng ta, không ai là đang sống xanh hoàn toàn cả, chúng mình đều đang luyện tập, thay đổi dần hành vi để “xanh hơn”. Phải nói rằng, mình của hiện tại và mình của cách đây 4 năm có sự khác biệt khá lớn, sau khi mình đến Hà Nội để vào đại học. Trước đây, khi ở nhà, mình ít có cơ hội tiếp cận với những phong cách sống mới, những tư tưởng mới, hoặc cũng do hồi đó trào lưu sống xanh chưa thực sự nổi bật, nên mình chưa có nhiều ý thức về lối sống xanh. Mình chỉ biết đến duy nhất một “lời kêu gọi” về việc hạn chế dùng túi nilon, và chỉ đến vậy thôi.
Cho đến khi lên Hà Nội, mình được gặp gỡ, trao đổi, được học hỏi thêm nhiều điều thông qua các môn học, các hoạt động xã hội, báo đài, bạn bè,… mình bắt đầu có ý thức cao hơn và tập thay đổi hành vi sống, hành vi tiêu dùng, và thực tế là mình đã có những “tiến bộ” nho nhỏ. Mình rất mừng khi thực sự cảm thấy rằng không chỉ riêng bản thân mình mà tất cả mọi người trên hành tinh này đều đang mang trách nhiệm quan trọng đối với môi trường, với Trái Đất, vì chúng ta và vì thế hệ tương lai nữa. Việc tập sống xanh hơn giúp mình thấy yêu đời, thấy phấn chấn, tích cực, có cảm giác mình đóng góp được một cái gì đó rất có ích cho cuộc đời này, góp phần làm môi trường bớt bị tác động có hại, thế là mình thấy vui rồi. 

Mình đã bắt đầu từ việc giảm nhựa, đặc biệt là các loại nhựa dùng một lần như túi nilon, màng bọc thực phẩm,… Thời gian đầu khá khó khăn vì bất tiện và đôi khi là sự thắc mắc của một vài người xung quanh nhưng dần quen thì mình thấy tự hào vì đã góp phần lan tỏa được thông điệp về việc sống xanh đến cho mọi người.  

Trong gian bếp hoặc các vật dụng cá nhân, mình ưu tiên sử dụng các chai, lọ bằng thủy tinh, inox, sành sứ, và gốm,… vừa an toàn, vừa tiết kiệm, dùng được nhiều lần, lại vừa đẹp, thích hợp để decor không gian sống của chúng ta. Khi mà chúng đã cũ, hoặc bị sứt mẻ và làm giảm tính an toàn, thì mình tận dụng để tái chế thành các món đồ trang trí, trồng cây,… Thi thoảng mình được nhận xét là …chứa rác trong nhà, có những thứ đã hỏng nhưng mình vẫn cất giữ để tự sửa chữa, tận dụng làm nguyên liệu cho những cái tạm gọi là công trình sáng tạo của riêng mình, nên không sao, rác không cần phải vứt đi, chúng mình có thể áp dụng “zero waste” được cơ mà! 
Còn về việc sử dụng năng lượng, theo mình biết thì việc tiết kiệm năng lượng cũng là một trong những giải pháp để xanh hơn. Như mình thì mình đã sử dụng nước tiết kiệm hơn. Trước đây mình xả nước như được mùa, cứ lau rửa hoặc dọn dẹp là xả rất nhiều nước trong vô thức mà chẳng bận tâm gì cả. Giờ thì mình biết sử dụng lượng nước hợp lý hơn rồi, dùng vừa phải, đủ phục vụ nhu cầu của mình. Mình cũng rút các phích cắm khi không cần sử dụng đến các thiết bị điện (trừ tủ lạnh nhé haha), như kiểu ngày nào cũng là ngày trái đất vậy. Tổng kết lại thì tất cả những thay đổi đó đều được hình thành từ việc mình đã được nghe, đọc, chứng kiến và được truyền cảm hứng từ các anh chị, các bạn, có cả những người nổi tiếng,… tác động đến nhận thức và hành vi của mình.

Ban đầu thì việc sống xanh với mình chỉ dừng lại ở việc không xả rác bừa bãi thôi, lúc trước thì bản thân mình nghĩ rằng việc đó tuy nhỏ, nhưng mà như vậy đã rất tốt rồi. Sau này khi mình hiểu biết nhiều hơn, và chịu khó tìm tòi hơn thì mới nhận ra là mình có thể làm được nhiều hơn thế. Mình bắt đầu tìm hiểu về việc sống xanh sau khi mẹ mình bắt đầu sử dụng túi vải để đi chợ, mang hộp đựng thức ăn đi khi muốn mua đồ ăn ngoài, mẹ cũng hay giữ lại các hộp nhựa dùng trong đóng gói, rửa sạch rồi sử dụng lúc cần. Sau này trong nhà mình chủ yếu dùng dụng cụ ăn uống bằng gỗ, các hộp đựng đồ ăn cũng làm từ thuỷ tinh. Việc đó phần nào tạo thói quen cho mình, để mình chú ý đến việc chọn lựa sản phẩm để sử dụng lâu dài, và tái sử dụng những gì có thể. Mình tập sống xanh theo từng bước nhỏ, dần dần từ từ tốt lên từng chút. Cá nhân mình nghĩ là ai cũng như vậy, nếu mình cứ tự nhiên vồ vập lao vào quá, thì cũng sẽ dần dần thấy nản. Ngược lại thì đi từng bước chậm và chắc thì cũng sẽ mang lại hiệu quả lâu dài hơn. Dần dần thì mình sẽ tạo được nhiều thói quen tốt hơn một cách rất tự nhiên. 

Đối với cá nhân mình thì sống xanh có khá nhiều lợi ích. Sống xanh thực sự giúp mình khỏe mạnh hơn, (bởi trong bữa ăn thì mình hạn chế ăn nhiều thịt đỏ, và ăn nhiều rau xanh hơn, chọn ăn các loại thực phẩm theo mùa,…) chú ý chi tiêu của bản thân và biết cách tiết kiệm hơn (bởi mình sẽ dành nhiều thời gian cân nhắc chọn lựa và chỉ mua những sản phẩm mình cần, mua ít hơn nhưng chọn những loại chất lượng tốt hơn,…). Vì thế mình nghĩ là mình vẫn sẽ kiên trì với việc tạo những thói quen tốt hơn, thực hành sống xanh nghiêm túc hơn trong tương lai.

Explore
Drag