RÁC THẢI NHỰA – HÀNH TRÌNH ĐI “NHẶT SỐ”

  • 70% Bãi biển của Việt Nam đang ở mức Ô NHIỄM NẶNG và Ô NHIỄM bởi nhựa (trong 30 bãi biển được khảo sát).
  • Trên 90% rác thải tìm thấy trên biển là nhựa
  • Túi nilong, chai đựng đồ uống, phao xốp, dây thừng lưới nhựa, hộp xốp đựng đồ ăn,… Đang là những thứ nằm trong top 5 loại rác thải nhựa tìm thấy nhiều nhất trong 30 bãi khảo sát tại Việt Nam. 

Vậy những con số này –  từ đâu mà có? Hành trình đi tìm những con số này diễn ra như thế nào? 

“Khao khát có được những số liệu đầu tiên về thực trạng rác thải nhựa Việt Nam  khiến chúng tôi có động lực kiên trì hơn tất thảy. Những cơn say nắng giữa mùa hè đổ lửa tháng 5, tháng 6, những đêm nằm ngủ trên những phiến đá trên đảo, làn da đen trùi trũi sau những ngày “dãi nắng”, chẳng làm chúng tôi chùn bước. Với mong ước cháy bỏng vì một Việt Nam xanh hơn, chúng tôi, cùng các cán bộ, tình nguyện viên địa phương của IUCN và 11 KBTB, VQG đã cùng nhau đi “nhặt số” – những số liệu đầu tiên về hiện trạng rác thải nhựa bãi biển Việt Nam.”

Một chia sẻ từ cán bộ GreenHub thực hiện Giám sát rác thải biển năm 2019

Hành trình “nhặt số” gian nan nhưng ý nghĩa

“Leo núi lúc 7h tối vác theo 10 bao tải rác tại Ông Đụng – Côn Đảo”, “Nhặt rác giữa trời mưa ngoài đảo hoang ở Phú Quốc ”, “Say nắng ngất ngây giữa trời nắng tháng 5 tháng 6 tại Cát Bà”, “Đi vào bãi biển với đầy rẫy kim tiêm, bao thuốc lá,…”  Liệu có ai đã từng nghĩ trong đời mình sẽ có những trải nghiệm này? Với GreenHub, IUCN cùng các cán bộ, TNV tại 11 KBTB của Việt Nam – Chúng tôi đã được trải nghiệm nó trong hơn 60 ngày thực địa – từ nơi bắt đầu đường bờ biển của đất nước  đến nơi kết thúc dải biển Việt Nam. 

Đi qua 33 bãi biển của Việt Nam từ các bãi biển ở đất liền, khu vực biển ở cửa sông, đến các đảo ven bờ và cả các đảo xa bờ như Bạch Long Vỹ, hay Côn Đảo (thong dong trên tàu hết 7-8 tiếng cùng những cơn say sóng, say gió), chúng tôi mới “thấy tận mắt” thực trạng rác thải ở Việt Nam đang như thế nào? Bạn có thể tưởng tượng được rằng lượng rác thải trên một đảo hoang mà chúng tôi nhặt được trên 20m chiều dài bãi biển là đầy 10 – 20 bao tải cỡ 80x120cm hay không? Hay khi thống kê từ số liệu chúng tôi thu thập, trung bình có 94,58kg rác/100m chiều dài bãi biển – tương đương với số rác 1 hộ gia đình tại đô thị sử dụng trong gần 2 tháng? Những số liệu này, nếu không đi giám sát thực tế, có lẽ chẳng ước tính nổi?

Có thể nhiều người nghĩ rằng công việc này thật lãng phí thời gian – vì nhặt rác ngày hôm nay, mai lại nhiều thôi. Thế nhưng chúng tôi không chỉ nhặt rác đơn thuần mà sử dụng rác như một món đồ chơi. Toàn bộ rác thải được đổ đống theo từng mặt cắt nhỏ một trong 1 bãi biển, 5-6 người trong nhóm làm việc sẽ phân chia các loại khác nhau, mỗi người nhặt 1 loại (người thì nhặt chai nước, người thì nhặt từng sợi dây cước bé teo teo, nhặt từng đầu lọc thuốc lá nho nhỏ,…) sau đó tiếp tục đếm, cân và ghi chép lại. 33 bãi biển, 60 ngày nhặt rác, phân loại rác, đếm rác, cân rác và tất cả điều đó mang lại ý nghĩa nhiều hơn chỉ là công việc nhặt rác đơn thuần .

Dù bạn là ai, bạn đều có thể hành động

Hành trình Giám sát rác thải biển năm 2019 khép lại, chúng tôi nhận ra bất kể bạn đang làm công việc gì, hành động ngày hôm nay của bạn đều có thể mang lại những tác động nhất định. Không cần thiết bạn phải đi nhặt rác, phải tham gia các chiến dịch bảo vệ môi trường, mà những việc nhỏ hàng ngày của bạn đều giúp lượng rác thải, đặc biệt là rác nhựa giảm đáng kể. Mong bạn sẽ bắt đầu giảm thiểu nhu cầu sử dụng các sản phẩm nhựa 1 lần (hộp xốp, chai đựng đồ uống, cốc nhựa, ống hút…) từ hôm nay và góp sức vào hành trình vì sự phát triển Xanh của Việt Nam cùng GreenHub nhé!

Số liệu thực tế về hiện trạng rác thải nhựa bãi biển tại Việt Nam